Hà Nội: Nhiều người vẫn thờ ơ dù số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng

22/08/2019 - 22:25
Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng khi có thêm hơn 300 ca mắc mới trong tuần qua. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn thơ ơ với phòng chống SXH.

Thời gian gần đây, dịch SXH tại Hà Nội vẫn có chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài nguyên nhân do sự diễn biến thất thường của thời tiết, còn là ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao...

Tại đường Kim Giang (dọc sông Tô Lịch, phường Đại Từ, quận Hoàng Mai) kéo dài đến phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) nhiều đoạn cỏ mọc um tùm. Không những thế, dọc hai bên bờ sông thi thoảng có những bãi rác, những chiếc lốp xe hỏng bên trong chứa đầy nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm, trong khi đây là nơi bọ gậy (loăng quăng) có thể phát triển thành muỗi và gây bệnh.

Trong khi đó, tại các hộ gia đình việc diệt loăng quăng chưa được người dân chú ý. Trong nhà bà Nguyễn Xuân An (tòa nhà CT2, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) có một số vật dụng chứa nước nhưng chưa được xử lý. Ví như, bình hoa thắp hương từ ngày rằm vẫn còn gần nửa bình nước vẫn chưa đổ.

Bà An bảo, thông thường bà cắm hoa thắp hương rồi để nguyên đến tận lần cúng sau mà không bỏ hoa, thay nước. Ngoài ra, trong nhà tắm cùng có một xô nước bà dự phòng mất nước nhưng không được đạy nắp. Khi được hỏi về nguy cơ mắc SXH, bà bảo: Mình ở trong nhà suốt, làm sao mà mắc bệnh được.

 

a5_6179.jpg
Phun hóa chất phòng dịch SXH ở quận Hai Bà Trưng

 

Không chỉ bà An, nhiều người dân cũng có tư tưởng như vậy, thậm chí khi ngành y tế tổ chức phun hóa chất còn đóng chặt cửa không cho vào nhà. Chị Lê Thu Thảo (quận Hai Bà Trưng) cho biết, phường mới tổ chức phun hóa chất. Tuy nhiên, gia đình chị không cho vào nhà phun vì sợ mùi hóa chất. “Chẳng biết sau khi phun muỗi có chết không, nhưng sức khỏe của mình và gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, con mình còn nhỏ, tôi giữ cho con nên không cho cán bộ vào phun hóa chất trong nhà”.

Không chỉ người dân, nhiều địa phương vẫn còn chậm chễ trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Chị Nguyễn Thị Hoa, tòa nhà CT2-TP (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết, thấy dịch SXH diễn biến bất thường chị đã hỏi Ban quản lý tòa nhà lịch phun hóa chất. Ban Quản lý bảo lịch phun từ ngày 12/8 đến 18/8, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai đến. “Tôi hỏi lại Ban quản lý trả lời là cuối tuần này. Dịch đang gia tăng bất thường, sao ngành y tế lại chậm thế”, chị Hoa bức xúc.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 12/8 đến hết ngày 19/8, trên địa bàn TP. ghi nhận 301 trường hợp mắc SXH. Còn tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.399 trường hợp mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 351/584 xã, phường. Hiện tại vẫn còn 226/2.399 bệnh nhân đang điều trị tại BV. Một số quận, huyện có số mắc cộng dồn cao như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Oai, Hoàng Mai,…

 

dsc_0007.jpg
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, kiểm tra phòng chống dịch SXH tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

 

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để ngăn chặn dịch SXH lan rộng, thời gian qua Sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất triệt để tại các ổ dịch và những nơi có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng thừa nhận, số bệnh nhân mắc SXH mới vẫn gia tăng rải rác. Nguyên nhân là do ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các gia đình còn chưa tốt, đặc biệt tại các tổ trọng điểm bùng phát dịch. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng dự án cũng như công trình dân cư đang là nguy cơ bùng phát dịch. Mật độ dân số quá cao nên việc kiểm soát nguồn lây nhiễm SXH cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo dự báo, trong những ngày tới, nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ C xen lẫn mưa dông. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh SXH.

Để chủ động phòng chống dịch SXH, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục thường trực đội chống dịch cơ động; giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch; giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các địa phương nhằm kịp thời phát hiện các ca mắc bệnh dịch và xử lý ngay, không để dịch lan rộng.

Cùng với đó, Sở tiếp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất triệt để tại các ổ dịch và những nơi có nguy cơ cao; Tổ chức các buổi họp dân lồng ghép tuyên truyền các nội dung phòng chống SXH, tập huấn lại cho lực lượng đội xung kích, tổ giám sát; họp hàng tuần giữa đội xung kích và tổ giám sát để rút kinh nghiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm