Hà Nội: Quá tải chung cư và những hệ lụy xã hội (Bài cuối): Giải pháp nào cho những khu vực quá tải dân cư?

Cảnh Dũng - Hải Yến
30/08/2022 - 13:07
Hà Nội: Quá tải chung cư và những hệ lụy xã hội (Bài cuối): Giải pháp nào cho những khu vực quá tải dân cư?

Ngày 27/8/2022, Trường mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải tổ chức tuyển sinh theo cách “có một không hai” là phụ huynh bốc thăm để giành suất cho con vào học mầm non. Ảnh: Nguyễn Trang

Cần một cơ chế đặc thù là đề xuất của nhiều chuyên gia nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch tại Hà Nội bị phá vỡ bởi những “rừng bê tông” đua nhau mọc lên. Câu chuyện quá tải chung cư dẫn đến những hệ lụy xã hội có lẽ không chỉ là bài học với riêng Hà Nội mà còn với nhiều địa phương khác trong quá trình đô thị hóa.
Cần có đánh giá tác động trước khi xây 1 tòa chung cư

Như Báo PNVN đã đề cập, hạ tầng, dịch vụ công cộng, trường học... tại nhiều địa bàn tại Hà Nội hiện không đáp ứng được cho một đô thị chật hẹp nhưng lại chứa lượng dân số quá lớn. Những hệ lụy xã hội như thiếu trường học, sự quá tải công việc của cán bộ cơ sở ở những phường có dân số bằng cả một quận đã được nhắc tới từ nhiều năm trước nhưng dường như ngày càng trầm trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa ra những quy định cụ thể trước khi xây dựng một tòa chung cư như phải có đánh giá về tác động giao thông. Theo đó, phải cập nhật hiện trạng giao thông xung quanh, tính toán nhu cầu đi lại khi dự án hoàn thành và dự tính hệ lụy có thể phát sinh, từ đó có giải pháp hạn chế tiêu cực đối với hạ tầng xung quanh. Nếu không đạt yêu cầu, dự án không được đầu tư hoặc triển khai.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Hà Nội cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các quận, huyện, các sở, ngành chức năng nhằm xây dựng mạng lưới trường học phù hợp với nhu cầu của từng khu vực, địa bàn dân cư. Trên cơ sở nhu cầu mạng lưới trường học mà ngành giáo dục đưa ra, các chuyên ngành như quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường có trách nhiệm giới thiệu địa điểm, dành đất, dành không gian phát triển, đưa ra phương án phát triển mạng lưới trường học...

Hà Nội: Quá tải chung cư và những hệ lụy xã hội -  Giải pháp nào cho những khu vực quá tải dân cư? (bài cuối) - Ảnh 1.

Một phụ huynh vui mừng khi bốc được cho con một suất vào học Trường mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội)

Ở Hà Nội, quận Cầu Giấy đã có những bước đi để sửa "bản quy hoạch lỗi". Theo đó năm 2000, quận Cầu Giấy có bản quy hoạch phát triển trường học trên địa bàn quận. Định hình quy hoạch dựa trên cơ sở dân số là 90 nghìn dân năm 2000, dự kiến 10 năm sau sẽ có 170 nghìn dân. Tuy nhiên, năm 2010, dân cư tại quận này đã lên đến 350 nghìn và đến nay đã gần nửa triệu dân. Trong khi đó, trên địa bàn quận có 65 điểm trường nhưng đã có hơn 10 điểm là trường tư thục. Trước thực trạng trên, quận Cầu Giấy đã nhanh chóng thay đổi và nhiều trường học đã được xây dựng từ những dự án bất động sản.

Trong quy hoạch đô thị đã có barem hướng dẫn. Nếu không đáp ứng được là quy hoạch kém chất lượng, không bám sát cuộc sống. Người dân có hộ khẩu ở một địa phương thì đương nhiên phải có chỗ học, con trẻ phải được đến trường. Để xảy ra tình trạng “bốc thăm” cho con vào trường mầm non như ở Hoàng Liệt là chưa đáp ứng được quy hoạch đô thị. Để xảy ra tình trạng này, các cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Ngoài ra, quận Hai Bà Trưng cũng giữ được nhiều vị trí "đất vàng" dành cho trường học sau khi các nhà máy, xí nghiệp chuyển đi. Trong khi quận Hoàng Mai hay Hà Đông lại đang đối mặt với việc thiếu trường, thiếu lớp.

Địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng từ năm 2008. Các công trình bất động sản thương mại tăng lên nhanh chóng nhưng chủ yếu tập trung ở nội đô, trong khi các công trình hạ tầng xã hội ngày càng bị thu hẹp. Đã có chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện... ra khỏi nội đô nhưng đến nay đều chưa hiệu quả. "Công cuộc phát triển đô thị bị biến tướng thành làn sóng phát triển bất động sản tràn lan, còn hạ tầng đô thị bao gồm hạ tầng kỹ thuật và xã hội bị bỏ lại. Có ý kiến cho rằng phải xây nhiều bất động sản hơn nữa nhưng không ai nhắc đến cần hàng chục, hàng trăm triệu mét vuông đất trường học và hoạt động thể chất. Với đà này, Hà Nội sẽ không chỉ dừng lại ở việc thiếu trường học mà còn thiếu hàng loạt hạ tầng kỹ thuật", một kiến trúc sư nhận định.

Cần cơ chế đặc thù với phường đông dân

Với thực trạng quá tải dân cư tại một số khu vực của Hà Nội như hiện nay, nhiều người cho rằng cần phải có một cơ chế đặc thù. Ông Phạm Hải Bình, Bí thư Đảng ủy phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho rằng, dân số của các phường khác nhau nhưng biên chế cán bộ như nhau là một vấn đề bất cập. "Một phường có dân số 6-8 vạn dân khác hẳn với phường chỉ có 1-3 vạn dân. Theo tôi nên giao biên chế theo dân số. Có thể lấy mốc 1 vạn, 5 vạn, 10 vạn để đưa ra con số cán bộ phù hợp".

Hà Nội: Quá tải chung cư và những hệ lụy xã hội -  Giải pháp nào cho những khu vực quá tải dân cư? (bài cuối) - Ảnh 3.

Chợ cóc “mọc” lên ngay dưới chân chung cư HH ở Linh Đàm thuộc phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội)

Về vấn đề này, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cũng đồng tình. "Rõ ràng phải có cơ chế đặc thù tại phường có dân số bằng cả một quận. Cần tăng cường lãnh đạo, cán bộ cho phường này. Lương thưởng cũng phải tăng cho họ. Bởi đây là trường hợp đặc biệt. Ở những phường khác, mỗi ngày 1 cán bộ tiếp khoảng 100 người nhưng ở phường có dân số đông, mỗi ngày 1 cán bộ có khi tiếp hàng nghìn người. Rõ ràng là phải xây dựng một cơ chế đặc thù, thậm chí có thể tổ chức lại bộ máy, tách ra làm 3 phường: Hoàng Liệt 1, 2, 3", ông Chính nêu quan điểm.

Cũng theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên tắc trong phát triển đô thị là phải tính toán đến hạ tầng giao thông, cấp điện, nước, rác thải; tính toán đến xây dựng trường học. Dân số ở phường Hoàng Liệt là 9,2 vạn người, ở Đại Kim gần 6 vạn người, với từng này dân số phải đáp ứng đủ bao nhiêu trường học, công viên, cây xanh…

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng, Hà Nội cần cơ chế đặc thù không chỉ về văn hóa, giáo dục mà còn ở nhiều lĩnh vực. "Vừa qua, Hà Nội đã có kế hoạch phân khu nhưng cần cụ thể hóa vào từng điểm dân cư để đảm bảo hài hòa. Hà Nội trong thời gian tới sẽ làm hơn 300 quy hoạch chi tiết, chú trọng đến từng phân khu. Trong chính sách Luật Thủ đô sắp tới cũng ưu tiên rất nhiều cho giáo dục. Đơn cử, mở trường dân lập sẽ được ưu tiên giá đất", ông Nghiêm nói.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết thêm: "Theo quy định, 1,5 vạn dân là có thể thành lập phường nhưng có những phường ở Hà Nội đang gấp 6 lần, như vậy phải có đặc thù riêng. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang thảo luận và hoàn chỉnh Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó có 9 chính sách đặc thù".

Trong khi đó PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đề nghị, Hà Nội cần rà soát ngay và xử lí nghiêm các công trình không đúng với quy hoạch. "Tôi đề nghị phải xử lý dứt khoát, nghiêm minh, "có đau cũng phải cắt", có như vậy thì mới răn đe được những trường hợp tương tự và từ nay về sau sẽ không còn tình trạng cố tình xây dựng sai quy hoạch nữa", bà An nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định rõ mục tiêu là xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, nếu cứ để tình trạng quá tải chung cư và không đúng quy hoạch tồn tại như hiện nay thì Hà Nội sẽ khó thực hiện được những mục tiêu đã đề ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm