Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô: Coi chừng phản tác dụng

30/07/2019 - 13:54
Hà Nội vừa đưa ra phương án thu phí ô tô vào nội đô. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phương án này có nhiều điểm bất hợp lý và đẩy gánh nặng cho người dân.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đã gửi báo cáo dự toán đề án thu phí phương tiện cơ giới và một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, để hạn chế số lượng xe cơ giới.

Trong đề án, Sở GTVT dự kiến đặt ở khu vực vành đai 3, các cửa ngõ vào trung tâm thành phố, các trục đường chính thường xuyên xảy ra ùn tắc, tác động lớn đến môi trường xung quanh. Khi áp dụng, ô tô ngoài vành đai đi vào thành phố sẽ bị thu phí.

Theo đó, lái xe, chủ xe phải mở tài khoản ngân hàng, gắn thiết bị tự động trên xe. Khi đến vành đai, hệ thống sẽ tự trừ tiền trong tài khoản của lái xe.

Đề án dự kiến sẽ được hoàn thiện trong 3 tháng và trình HĐND thành phố vào cuối năm nay.

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, việc thu phí vào nội đô các thành phố lớn trên thế giới đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, họ sẽ thu phí theo giờ, thu vào giờ cao điểm sẽ buộc người tham gia giao thông phải tự đưa ra bài toán kinh tế, tự hạch toán cá nhân, tránh đi giờ cao điểm để không phải mất phí.

Tại Hà Nội, nếu thu phí từ vành đai 3 vào nội đô thì chỉ thu được một số ít xe ngoại tỉnh ra vào nội đô. Trogn khi, đây cũng không phải là đối tượng chính gây ra tình trạng tắc đường cục bộ trong khu vực nội đô. Trái lại, nguyên nhân ùn tắc ngoài phương tiện cá nhân còn do quy hoạch, xây dựng. “Thử nhìn, tuyến phố nào cũng có hàng chục cao ốc, thì chắn chắn dân sẽ đông, nhu cầu đi lại lớn sẽ gây tắc cục bộ. Thế tại sao cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho các tòa cao ốc mới được xây dựng”, ông Liên nói.  

67522138_405697000297888_549605344003751936_n.jpg
Đường Trường Chinh ùn tắc (chiều ngày 29/7) do ý thức người tham gia giao thông.

 Hơn nữa, mục đích thu phí là giảm ùn tắc thì Sở GTVT nên thu với từng tuyến đường hay xảy ra ùn tắc, thu theo các khung giờ cao điểm hay tắc đường chứ không phải thu phí tràn lan.

Ngoài ra, khi thực hiện thu phí nội đô, sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng lên và người tiêu dùng phải gánh chịu. Trước đây, Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả. Liệu có chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này.

Còn theo TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, hiện chưa luật nào cho phép các thành phố thu phí phương tiện vào nội đô. Vì vậy, nếu Hà Nội muốn thu thì phải sửa luật.

Hơn nữa, nếu thu phí vào nội đô, liệu người dân ngoại thành vào nội đô có bị thu không? Hay thu theo biển số xe? Nếu thu theo kiểu không dừng thì lại phải lập bao nhiêu trạm thu phí tại các điểm ùn tắc, nhưng ở Hà Nội đâu phải lúc nào cũng ùn tắc giao thông mà lập trạm. Ngoài ra, những người ở tỉnh khác, cả năm mới lên Hà Nội một vài lần, chẳng lẽ họ cũng phải dán tem thu phí này?

Theo các chuyên gia, giải pháp này không giảm được ùn tắc giao thông, thậm chí còn làm tăng ùn tắc giao thông. Vào giờ đi làm, muốn hay không thì người dân vẫn phải đi, không đi ô tô cá nhân thì họ sẽ đi ô tô taxi, xe máy. Hơn nữa, nếu làm điểm thu phí tư động vào nội đô tại một số tuyến phố chính thì người tham gia giao thông sẽ tìm cách đi vào những đường nhánh, khi đó ùn tắc gia tăng ở những tuyến đường này.

Vì vậy, giải pháp trước mắt là cần rà soát lại các tuyến xe buýt, gia tăng phương tiện công cộng. Các điểm dừng và thu phí phải được kết nối với hệ thống giao thông công cộng tốt như các tuyến xe buýt công cộng, buýt BRT rồi hãy tính chuyện thu phí.

Ngoài ra, Hà Nội cần giảm mật độ dân cư nội thành, phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tạm dừng cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong nội đô. “Mật độ dân số quá đông, nhu cầu đi lại của người dân quá nhiều, mà đường xá thì chỉ có từng ấy thì có thu phí cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc”, TS. Đức nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm