Hạ viện Mỹ thất bại trong việc đảo ngược quyền phủ quyết của ông Trump

27/03/2019 - 11:00
Ngày 26/3, Hạ viện Mỹ đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu nhằm đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với dự luật ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước đó.
Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ hai tại Hạ viện do đảng Dân chủ đứng đầu nhằm tìm cách chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới phía Nam của Tổng thống Donald Trump. Có 248 hạ nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 181 hạ nghị sĩ bỏ biếu chống. Điều đó đồng nghĩa với việc không đạt đủ hai phần ba phiếu thuận cần thiết để có thể đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump. Đa số các hạ nghị sĩ Cộng hòa đã đứng về phía ông Donald Trump nhưng cũng có 14 nghị sĩ Cộng hòa chia tách khỏi hàng ngũ và khiển trách tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai này.
 
quoc-hoi-my.jpg
Một cuộc họp của Hạ viện Mỹ

  

Những nghị sĩ chỉ trích tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump nghi ngờ động thái đó vi phạm Hiến pháp Mỹ. Các nghị sĩ khác lập luận rằng việc chuyển hàng tỷ USD đã được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án của Bộ Quốc phòng có thể gây ra một tác động tiêu cực tới sự sẵn sàng của quân đội Mỹ.
 
Kết quả cuộc bỏ phiếu lần này không phải là một bất ngờ, nó sẽ cho phép Tổng thống Donald Trump thúc đẩy thực hiện lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và trong hơn 2 năm cầm quyền vừa qua. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu cũng đã mang đến cho các nghị sĩ Dân chủ một đường hướng cần tập trung vào những khác biệt chính sách đối với ông chủ Nhà Trắng, nhất là sau khi báo cáo tóm tắt của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết luận ông Donald Trump và nhóm vận động tranh cử đã không cấu kết với Nga để làm sai lệch kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
 
Với việc Hạ viện đã chính thức thất bại, Thượng viện Mỹ sẽ không tiếp tục nỗ lực đảo ngược quyền phủ quyết của ông Donald Trump. Theo thống kê, đến nay, các tổng thống Mỹ đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của mình và lần gần nhất quốc hội Mỹ có thể đảo ngược xảy ra từ năm 1961.
 
donald-trump.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể huy động các khoản tiền xây dựng bức tường biên giới

  

Với kết quả này, Tổng thống Trump có thể huy động các khoản tiền từ ngân sách liên bang để chuyển cho dự án xây dựng bức tường biên giới. Trước đó, ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển 1 tỷ USD để lên kế hoạch, xây một đoạn "hàng rào" dài 75km, các tuyến đường bộ và thiết bị chiếu sáng tại các khu vực Yuma và El Paso dọc biên giới Mỹ-Mexico. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng bộ này có thẩm quyền hỗ trợ hoạt động chống ma túy gần biên giới quốc tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm