Hải Dương: Vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ tránh xa ‘tín dụng đen’

10/07/2019 - 10:12
Tỉnh Hải Dương đang trong giai đoạn phát triển năng động, nhu cầu nguồn vốn phát triển sản xuất của người dân nơi đây tăng cao. Dù vậy, theo ghi nhận, "tín dụng đen" không có nhiều cơ hội bùng phát thành điểm nóng, bởi những chính sách và hoạt động có hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là NHCSXH. 

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ vươn lên

Chị Đặng Thị Anh mau mắn dẫn khách đi thăm khu vườn na rộng hơn 3ha sắp được thu hoạch của gia đình tại khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, Hải Dương. Ngoài ra, gia đình chị cũng đầu tư trồng hơn 2,5ha các loại cây ăn quả khác như cam, bưởi.

Chị cho biết: Khi mới bắt tay vào cải tạo vườn đồi, đầu tư trồng cây ăn quả, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Anh chị đã phải xoay xở, chạy vạy khắp nơi. Tuy vậy, chị Đặng Thị Anh kể, dù có thiếu vốn thì gia đình cũng không tiếp cận tới tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Bởi đầu tư vườn đồi, cây ăn quả là đầu tư lâu dài, không thể có kết quả trong một sớm một chiều. “Để sản xuất, nuôi trồng hiệu quả thì chỉ vay vốn ưu đãi, từ các ngân hàng của nhà nước mới yên tâm, đảm bảo phát triển bền vững được”, chị nói.

Chị Đặng Thị Anh tham gia vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ đầu năm 2018 với 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm và 20 triệu đồng theo chương trình nước sạch. Để cải tạo vườn đồi, mua phân giống và rất nhiều chi phí. Theo chị, nguồn vốn vay này chưa nhiều, nhưng cũng góp phần giúp gia đình xoay xở lúc thiếu vốn, để đầu tư vào sản xuất với mức lãi suất ưu đãi.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, cho biết: Địa bàn phường có hơn 2.600 hội viên phụ nữ tại 13 chi Hội. Tính đến nay, dư nợ tín dụng NHCSXH trên địa bàn đạt 6 tỷ đồng. Phụ nữ nơi đây chủ yếu làm dịch vụ, buôn bán nhỏ, nông nghiệp còn lại rất ít do quá trình đô thị hóa nhanh. Chị Thúy cho biết thêm, với tín dụng cho vay ủy thác qua Hội phụ nữ tại phường hiện nay chưa có nợ xấu, nợ quá hạn.

Để đạt kết quả như vậy, trước tiên phải nói tới quá trình xét duyệt đối tượng cho vay rất chặt chẽ. Hội viên phụ nữ được vay vốn phải thuộc đối tượng là hội viên, thuộc hộ nghèo, cận nghèo… trong danh sách được xét của UBND cấp xã. Quá trình xét duyệt cho vay cũng diễn ra chặt chẽ, công khai tại các tổ tiết kiệm vay vốn. Mặt khác, với phụ nữ vay vốn thường có ý thức, trách nhiệm rất cao trong việc trả nợ đúng hạn. Cùng với đó là trong các Chi Hội, chị em phụ nữ hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh nên cũng giảm được phần nào những rủi ro…

Hoạt động ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thành phố Chí Linh thời gian qua tiếp tục đạt được kết quả rất tích cực. Theo NHCSXH Chí Linh, dư nợ ủy thác đến 23/6/2019 đạt hơn 275 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ với 6.791 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội phụ nữ đạt số lượng cao nhất trong các tổ chức chính trị được ủy thác là hơn 138 tỷ đồng (chiếm tới hơn 50% tổng dư nợ ủy thác) với hơn 3.300 khách hàng tại 110 tổ tiết kiệm vay vốn.

 

nhcsxh-hai-duong-3.JPG
Vườn na của gia đình chị Đặng Thị Anh tại khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, Hải Dương

 

Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Thời gian qua, NHCSXH thành phố Chí Linh cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phối hợp với các đơn vị đài truyền thanh, báo và truyền hình của địa phương về các chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời thực hiện chương trình tuyên truyền về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa; trực tiếp tuyên truyền quy định về thực hiện tín dụng chính sách giúp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen và những chủ trương mới tới các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm vay vốn và đặc biệt là trực tiếp tới hộ vay tại điểm giao dịch...

Trao đổi về vấn đề tín dụng đen, cho vay nặng lãi, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh, thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động tín dụng đen trên địa bàn thành phố là có. Tuy nhiên, hoạt động này không nhiều và chưa trở thành điểm nóng, điểm nội cộm trên địa bàn”.

Lý giải rõ hơn, theo ông Nguyễn Phúc Thịnh, thành phố Chí Linh là thành phố có tốc độ phát triển khá nhanh, người dân trên địa bàn có nhu cầu vốn rất lớn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Góp phần giảm thiểu tình trạng hoạt động của tín dụng đen, thời gian qua, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn đã có những hoạt động cho vay rất hiệu quả, đáp ứng được phần lớn nhu cầu nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của người dân. Trong đó có NHCSXH với lãi suất ưu đãi, đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để họ có cơ hội đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách bền vững.

 

nhcsxh-hai-duong-2.JPG
Qua 17 năm, có 651.821 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH tỉnh Hải Dương

Toàn tỉnh Hải Dương, qua 17 năm, có 651.821 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH; giúp 123.536 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho 232.329 lao động, giúp 117.397 học sinh sinh viên được vay vốn.

Cũng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã có 196.298 công trình nước sạch và 193.052 công trình vệ sinh môi trường nông thôn và 2.891 căn nhà được xây dựng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm