pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng trẻ biến vùng đất đồi khô cằn thành vườn dược liệu
Chị Nguyễn Thị Giang bên vườn cà gai leo của gia đình
Từng có công việc ổn định nhưng hai vợ chồng trẻ Nguyễn Thanh Bình (SN 1981) và Nguyễn Thị Giang (SN 1979) ở xã Cự Nẫm bỗng nhiên xin nghỉ việc và bước ra lập nghiệp từ những đồi đất khô cằn của gia đình mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ và tìm tòi hướng đi thích hợp, vợ chồng chị Giang đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình trang trại cà gai leo trên chính mảnh vườn của mình.
Vùng đất Cự Nẫm vốn gặp nhiều mưa bão vào mùa mưa và khô cằn vào mùa hạ nhưng cây cà leo lại không bị tác động nhiều nên phù hợp với khí hậu và vùng đất nơi đây. Bắt đầu từ năm 2015, hai vợ chồng đưa cây cà gai leo trồng đại trà từ 1 vạn cây dược liệu cà gai leo trên diện tích 5 sào đất vườn đồi nhà mình. Anh Nguyễn Thanh Bình cho biết: "Cây cà gai leo chịu được khí hậu khắc nghiệt, đất cằn, khô hạn ở Quảng Bình, rất thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tôi thấy cây cà gai leo có nhiều công trình nghiên cứu nhất về tác dụng chữa bệnh gan và có tiềm năng phát triển nên hai vợ chồng đã chuyển sang trồng cây dược liệu này".
Dẫn chúng tôi ra vạt đất đồi phía sau lưng nhà, chị Giang cho hay: "Trước đây, khu đất cằn cỗi này bị bỏ hoang vì toàn cây bụi. Sau đó, gia đình đã cải tạo để trồng cây keo lai, nhưng hiệu quả về kinh tế quá thấp, nguy cơ rủi ro về thiên tai rất cao".
Đi đầu trong việc đưa cây dược liệu cà gai leo và trồng đại trà ở Quảng Bình nên những ngày đầu vợ chồng chị gặp không ít trở ngại, khó khăn. Từ việc mới chập chững làm ăn, nguồn vốn eo hẹp, quy trình kỹ thuật gieo trồng cây giống và ngay cả nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thị trường đều đang rất mơ hồ. Thế nhưng, từ việc cần cù, chịu thương chịu khó học hỏi kinh nghiệm, sau 2 năm thực hiện mô hình, vườn của hai vợ chồng chị Giang trồng và bán nguyên liệu thô (được phơi khô) với giá từ 70 ngàn – 100 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm lãi gần 150 triệu đồng.
Qua nắm bắt nhu cầu của thị trường, việc chế biến sản phẩm thô thành cao cà gai leo đã được triển khai ở một số tỉnh thành, vợ chồng chị bắt đầu tìm tòi, học hỏi để tinh chế sản phẩm này cho giá thành cao hơn, phù hợp, tiện lợi với người dùng hơn. Sau khi tìm trên mạng, anh Bình đã đặt mua dây chuyền nấu cao theo quy trình sản xuất ngành dược, đồng thời đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình được sản xuất hoàn toàn tự nhiên theo quy trình chuỗi khép kín từ trồng nguyên liệu, nấu thành phẩm đến đóng gói sản phẩm, quy cách đóng gói lọ thủy tinh 100 gr.
Theo chị Giang, quá trình chăm sóc cà gai leo được tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng sản xuất nông sản sạch, không sử dụng phân bón hóa chất độc hại. Dù mới bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cây dược liệu này được hơn 1 năm, nhưng bình quân mỗi lứa đều cho năng suất trên 50kg thân, lá khô/sào.
Trên cơ sở phát huy những tiềm năng và lợi thế của vùng trồng cây dược liệu, tháng 9/2018 UBND xã Cự Nẫm đã tổ chức hội nghị thành lập HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm. HTX được thành lập với 8 thành viên tham gia, do chị Nguyễn Thị Giang là chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện, HTX có tổng diện tích khoảng 6ha, trồng theo kiểu gối đầu vụ, gia đình chị Giang chiết xuất thành phẩm cao cà gai leo. Đến nay, HTX có 30 hộ liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm cây cà gai leo thô. Toàn bộ cây giống, phân bón điều được gia đình chị Giang hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc cho các hộ dân. Để đảm bảo chất lượng, các loại dược liệu sẽ được sơ chế ngay sau khi thu hoạch. Ngoài cung cấp nguyên liệu đã sơ chế cho các doanh nghiệp sản xuất dược liệu, HTX đang hình thành dây chuyền sản xuất khép kín một số sản phẩm cao, trà túi lọc, trà hòa tan, viên nang từ cây cà gai leo, lá vằng, lạc tiên, kim tiền thảo… Những sản phẩm này đều hướng đến chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu Cự Nẫm, cho biết: "Từ 6ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, HTX đã liên kết với 30 hộ dân trên địa bàn trồng trên 14ha cây cà gai leo và đều đang sinh trưởng phát triển tốt; mỗi năm thu hoạch 2 vụ, sản lượng 20 tấn thô/năm. Qua quy trình chế biến công phu, bảo đảm sạch, cứ mỗi tấn dược liệu thô sẽ cho khoảng 1.500 lọ cao (dung tích 100ml), giữ nguyên giá trị dược liệu. Việc thành lập HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm đã giúp cho chúng tôi có được nguồn nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, HTX cũng giải quyết cho 35 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng".
Hiện gia đình chị Giang đang thu hoạch hơn 5ha cây cà gai leo, tiến tới sẽ mở rộng thêm 5ha. Cứ 3 ngày, gia đình chị lại nấu được một mẻ cao cà gai leo khoảng 5kg, xuất thành phẩm được 50 hộp 100gr/hộp với thương hiệu "Cao cà gai leo Thanh Bình". Tất cả các sản phẩm của HTX đều được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ngoài sản phẩm cao cà gai leo, hai vợ chồng trẻ còn tiếp tục trồng và sản xuất các loại dược liệu khác, như: cao lạc tiên dành cho người mất ngủ; cao lá vằng cho phụ nữ và viên tinh nghệ mật ong... HTX đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh các loại sản phẩm dược liệu. Thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, HTX cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp thức uống cho các văn phòng, doanh nghiệp… và các cửa hàng thực phẩm sạch, hiệu thuốc tây tại Đồng Nai, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Nói về chiến lược phát triển lâu dài của HTX, chị Giang cho biết: "Sắp tới, chúng tôi tiếp tục cho ra các sản phẩm như: Tinh dầu sả chanh, viên nang, viên nén, trà hòa tan, sản phẩm cao cấp đối với quả cà leo. Đặc biệt là việc giới thiệu các sản phẩm của HTX lên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội để sản phẩm được tiếp cận đến người tiêu dùng".
Đánh giá về hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, khẳng định: "Các mô hình thử nghiệm cho thấy điều kiện thổ nhưỡng ở Bố Trạch phù hợp với các loại cây dược liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phần lớn diện tích trồng cây dược liệu ở huyện Bố Trạch đều đã có sự liên kết và hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu ra luôn ổn định. Trong thời gian tới, Bố Trạch sẽ có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển, nhân rộng, mở rộng các mô hình trồng các loại dược liệu quý".