Hạn chế rủi ro khi vay mua căn hộ

15/06/2017 - 16:59
Mua căn hộ là một niềm mơ ước của nhiều gia đình trẻ. Song, không phải ai cũng có đủ tiền, nên việc vay thêm từ ngân hàng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, làm sao để vay tiền mà không bị rơi vào những tình huống rủi ro là điều phải cân nhắc kỹ.
Việc có cơ hội lớn để sở hữu một “tổ ấm mơ ước” có thể khiến nhiều người vì quá vui mừng mà quên hết những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Theo một số chuyên gia, thực tế có khá nhiều yếu tố có thể làm phát sinh rủi ro trong quá trình mua căn hộ, nhất là mua bằng nguồn tiền vay từ ngân hàng.
luu-y-vay-tien-mua-nha.jpg
Người mua cần chọn dự án phù hợp với túi tiền, tránh theo đuổi những căn hộ “vượt tầm với”. Ảnh minh họa
Một trong những rủi ro phổ biến nhất là chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết tiến độ xây dựng; phương thức thanh toán ngắn cùng thời gian gấp rút khiến khách hàng không kịp chuẩn bị tiền… Thông thường, chủ đầu tư sẽ đưa ra một lịch trình khá cụ thể về tiến độ xây dựng và tiến độ đóng tiền cho người mua.

Trên cơ sở này, người mua sẽ tính toán kế hoạch giải ngân ở ngân hàng sao cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, rất nhiều dự án chậm tiến độ, trong khi người mua đã ký kết khế ước vay và giải ngân sẵn một khoản tiền để chuẩn bị đóng cho chủ đầu tư. Việc chậm trễ này có thể khiến khách hàng phải chịu nhiều thiệt thòi nếu như phải vay khoản tiền quá lớn.

Theo tư vấn của một số chuyên gia, để chuẩn bị mua 1 căn hộ theo hình thức trả góp, người mua cần chọn dự án phù hợp với túi tiền, tránh theo đuổi những căn hộ “vượt tầm với”. Điều thứ 2 là cần có sẵn ít nhất 30% giá trị căn hộ, có nghĩa chỉ vay tối đa 70% giá trị còn lại, để đảm bảo còn 50-70% thu nhập được sử dụng để cân đối chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình, phần còn lại để trả nợ lãi và gốc.
nh.jpg
Cần tìm hiểu kỹ phương thức thanh toán và chọn các phương án tốt nhất nhằm giảm áp lực trả nợ
ngân hàng. Ảnh minh họa
Một vấn quan trọng nữa là biết phân tích và dự đoán những biến động của thị trường tài chính trong tương lai, qua đó có thể dự kiến mức thay đổi lãi suất theo thời gian. Đây là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi kiến thức khá rộng cả về tình hình, xu hướng kinh tế trong nước và thế giới, những yếu tố có thể gây biến động lãi suất…

Các ngân hàng thường đưa ra lãi suất ưu đãi hấp dẫn trong năm đầu nhưng sau đó thì sẽ tính theo mức lãi dựa trên thực tế thị trường (phổ biến theo công thức lãi suất huy động cao nhất 3%/năm). Việc dự đoán được biến động lãi suất sẽ giúp người mua chủ động trong kế hoạch trả nợ.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ phương thức thanh toán và chọn các phương án tốt nhất nhằm giảm áp lực trả nợ ngân hàng. Người mua cần nắm kỹ mọi điều khoản trong hợp đồng tín dụng, nhất là các điều khoản về lãi suất, lãi phạt, phương thức thanh toán, tham khảo ý kiến chuyên gia để phát hiện ra các “bẫy lãi suất” mà né tránh.
tay-hom-20.jpg
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhìn nhận chính sách tín dụng với thời hạn dài 10-20 năm là cần thiết. Phương thức này giúp khách mua nhà giảm tải áp lực tài chính, kích thích lao động sản xuất để tích lũy tiền mua nhà. Tuy nhiên, những người đã vay dài hạn cho biết, thời gian vay càng dài thì khoản tiền họ “ném” vào phần lãi suất cũng càng lớn.

Đặc biệt trong khoảng 3-4 năm đầu, cách tính toán thu nợ của ngân hàng chỉ dành khoảng 30-35% trong tổng số tiền thanh toán hàng tháng để trừ vào nợ gốc, phần lớn là để trả cho phần lãi suất. Vì thế, nếu có điều kiện thì người mua nhà nên cố gắng trả dứt nợ càng sớm càng tốt. Để có được điều này, nên vay tiền tại những ngân hàng có chính sách “thoáng” đối với việc trả nợ trước kỳ hạn.

Dẫu sao, vay ngân hàng cũng là chuyện “cực chẳng đã” để giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Thực tế có những gia đình sau khi nhận căn hộ đã cho thuê lại, chấp nhận tiếp tục sống trong những căn nhà thuê nhỏ hơn, điều kiện sống hạn chế, để dành phần chênh lệch giữa cho thuê và thuê nhà góp vào phần tiền trả cho ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp hữu dụng nhằm rút ngắn thời gian vay, tránh áp lực tài chính nặng nề và kéo dài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm