pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hàng hóa tiêu dùng hạ nhiệt theo giá xăng
Giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm ở chợ đã bắt đầu hạ nhiệt
Ngày 12/9 vừa qua, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm hơn 1.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tiếp tục giảm 1.128 đồng/lít, hiện bán ở mức 22.231 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tiếp tục giảm 1.015 đồng/lít và giá sau điều chỉnh là 23.215 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 9 lần giảm. Giá xăng RON95 và giá xăng E5 RON92 đã giảm về mức tương đương giá đầu tháng 1/2022. Như vậy, so với mức giá đỉnh điểm hơn 32.000 đồng/lít hồi giữa năm, giá xăng đã giảm khoảng 30%.
Sau nhiều lần điều chỉnh của giá xăng, đã tác động đến thị trường. Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đang có dấu hiệu hạ nhiệt
Giá cước vận tải, hàng hóa hạ nhiệt
Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm liên tiếp đã giảm giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí đầu vào, trong đó có lĩnh vực vận tải. Một số hãng xe taxi, xe khách đã thực hiện giảm giá cước, với mức giảm từ 5 - 12%.
Cụ thể, theo kê khai giá cước của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Hà Nội, các dòng xe 5 chỗ, chiều Hà Nội - Nội Bài áp dụng mức cước 250.000 đồng/lượt, giảm khoảng 11%; từ km thứ 30 trở lên áp dụng mức giá 15.000 đồng/km, giảm khoảng 3%. Tương tự, Công ty Taxi CP Hà Nội cũng đã giảm cước từ 4 - 6%.
Giá xăng dầu giảm đã giúp giá các dịch vụ vận chuyển được điều chỉnh giảm theo, Chị Vũ Thị Hằng, đại lý Hải sản miền Trung (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá dịch vụ vận chuyển hàng từ miền Trung, miền Nam đã được điều chỉnh giảm từ 5% đến 15%, theo đó, thủy hải sản cửa hàng bán ra cũng được điều chỉnh giảm từ 5% đến 10%. Tương tự, mức giảm này cũng được áp dụng đối với nhiều loại trái cây được vận chuyển từ các vùng miền về Hà Nội.
Tại các chợ dân sinh, sau nhiều lần xăng giảm giá và chỉ đạo điều hành ổn định giá cả hàng hóa của Chính phủ, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ tươi sống được điều chỉnh giảm khoảng 10%.
Tại các chợ truyền thống khu vực nội thành Hà Nội, giá thịt lợn dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg). Giá thịt bò dao động từ 250.000 - 320.000 đồng/kg (tùy loại), giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Giá thịt gà làm sẵn cũng giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Giá tôm từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg...
Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vùng miền, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng được điều chỉnh giảm giá khoảng 5%, kèm theo các chương trình ưu đãi, khuyến mại khác.
Dịch vụ ăn uống, rau xanh vẫn giữ giá bán
Dù thực phẩm, đồ tươi sống đã được điều chỉnh giá bán, song theo khảo sát trên thị trường của PNVN, giá các dịch vụ ăn uống, chế biến sẵn vẫn giữ nguyên giá bán. Ví dụ, một tô bún/phở hiện vẫn được bán với mức giá phổ biến dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/tô; cơm bình dân văn phòng có giá phổ biến dao động từ 35.000 đồng – 45.000 đồng/suất.
Các loại rau củ, đặc biệt là rau gia vị, rau xanh tuy có giảm giá nhưng vẫn đang được bán với mức giá cao. Cụ thể: giá hành lá 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Giá rau cải xanh: 20.000 đồng/kg; giá cà chua từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, bắp cải từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Mức giá bán này đã được điều chỉnh giảm khoảng 3.000 đồng/kg, mỗi loại.
Mức giảm chưa tương xứng
"So với đầu năm, mức giá thực phẩm vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, thời điểm này, hàng hóa bắt đầu hạ nhiệt cũng là tín hiệu vui với người nội trợ như chúng tôi", chị Hoàng Thu Hằng (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
"Giá xăng đã được điều chỉnh giảm tới 30%, tuy nhiên các loại hàng hóa chưa được điều chỉnh giảm giá tương ứng. Là người tiêu dùng, tôi mong muốn giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, giá các dịch vụ thiết yếu sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhanh và nhiều hơn nữa để phù hợp với thị trường và giảm tải áp lực chi phí cho các gia đình", chị Lê Khánh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ.