pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá xăng dầu giảm sâu, làm gì để giảm giá dịch vụ vận tải và hàng hóa thiết yếu khác?
Ảnh minh họa
Ngày 3/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2022, nhằm xem xét, thảo luận về tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022; công tác phòng chống dịch; chương trình phục hồi và phát triển KTXH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, KTXH tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ; Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành...
Đặc biệt, an sinh xã hội được bảo đảm. Các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả ở tất cả các địa phương…
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện: "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH thời gian tới.
Tại buổi họp báo, dư luận đặc biệt quan tâm việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá sâu, nhưng các mặt hàng thiết yếu khác, đặc biệt là giá cước vận tải vẫn ở mức cao; cần có biện pháp gì để bình ổn giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu?
Trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết: Trong thời gian vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Ví dụ, về đường bộ, theo thống kê có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, một số loại cước vận tải trong đó có đường bộ, đường thủy tăng, cụ thể: Giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%. Đường thủy nội địa tăng khoảng 10%. Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất.
Ông Nguyễn Xuân Sang khẳng định: "Khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm".
Thời gian qua, Bộ GTVT có chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá. "Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu", Thứ trưởng Bộ GTVT nói.