Các bệnh về rối loạn tiêu hóa, sốt, hô hấp, đặc biệt là viêm não Nhật Bản đang hoành hành tấn công trẻ vì nắng nóng. Trong khi đó, theo dự báo, nắng nóng tại các tỉnh miền Bắc sẽ còn kéo dài đến hết ngày 6/7.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, trong vài ngày qua, các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản, được chuyển đến cấp cứu tăng đột biến.
Tại khoa Truyền nhiễm, bé N.T.A. (4 tuổi, Hà Nam) đang được các bác sĩ chăm sóc. Gia đình cho biết, trước đó vài ngày, bé xuất hiện sốt cao 40 độ C. Gia đình tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Hôm sau, bé li bì, co giật nên gia đình nhanh chóng chuyển đến BV địa phương rồi chuyển lên BV Nhi TƯ. Theo các bác sĩ, BV tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng hôn mê, sốt cao. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản.
Hiện tại, khoa đang điều trị cho khoảng 10 trường hợp bị viêm não. Trong khi từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng 37 ca. Cháu lớn nhất khoảng 15- 16 tuổi, còn lại đa số là các cháu 10- 12 tuổi. Hầu hết bệnh nhi ở các cháu tại các tỉnh vùng núi phía bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng,… Qua khai thác tiền sử, các gia đình cho biết quên cho con đi tiêm chủng nhắc lại, chỉ chú ý tiêm phòng cho con trong giai đoạn một tuổi. Đây là lý do làm cho trẻ dễ mắc bệnh.
Theo bác sĩ Lâm, bệnh viêm não Nhật Bản rất khó để phát hiện sớm. Bởi trong những ngày đầu, bệnh có triệu chứng bệnh rất giống với những viêm nhiễm khác với biểu hiện đầu tiên là sốt. Bệnh diễn biến rất nhanh, khiến người nhà không kịp phản ứng đưa bệnh nhân đến viện sớm. Có trường hợp chỉ ngày thứ hai, thứ ba sau sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện các dấu hiện sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt.
Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3 năm 1 lần đến năm 15 tuổi.
Còn theo TS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ngoài viêm não Nhật Bản, mùa hè là mùa các bệnh nhiễm trùng, mắc viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa, sốt, nhiễm khuẩn liên quan vi khuẩn gram dương, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu tăng hơn. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, các bệnh này càng có cơ hội phát triển.
Bác sĩ Tuấn lý giải: Mùa hè nóng nực, các bé hiếu động hay chạy nhảy nên ra mồ hôi nhiều. Do đó, nếu bé không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ phát triển rất nhạnh. Thông quan những tổn thương như vết xước trên da, nếu không vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn xâm nhập vào máu, dễ gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm tấy mô mềm lan tỏa”.
“Trong thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, các bậc phụ huynh cần để con trẻ ở trong khu thoáng mát, mặc quần áo thoáng mát; phụ huynh cần vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, cung cấp đủ dịch bằng các loại nước cho trẻ nếu không trẻ dễ bị mất nước, dễ bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời; điều hòa chỉ nên để ở mức 27-28 độ, tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cho bé khi ra ngoài”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.