Hàng loạt quốc gia sẽ cấm thuốc diệt cỏ Monsanto gây ung thư

28/03/2019 - 14:47
Phán quyết của tòa án Mỹ về thuốc diệt cỏ Monsanto có chứa thành phần gây ung thư và buộc Công ty sản xuất Monsanto phải bồi thường 81 triệu USD đang tạo ra làn sóng các nước tẩy chay loại thuốc này trong đó có Việt Nam.
Người làm vườn thắng kiện gần 100 triệu đô
Theo phán quyết ngày 27/3 của bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang tại thành phố San Francisco, Monsanto phải bồi thường cho ông Edwin Hardemanv (70 tuổi), một người làm vườn về hưu tại California bị ung thư, tổng cộng 80,9 triệu USD do các thiệt hại liên quan tới sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup mà Monsanto sản xuất.
Ông Edwin cho rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto trong 25 năm với thành phần chính là chất glyphosate, đã góp phần khiến ông bị ung thư hạch không Hodgkins. Bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang San Francisco ngày 19/3 đã kết luận thuốc diệt cỏ Roundup là "yếu tố quan trọng" gây ra bệnh ung thư của Hardeman. Bồi thẩm đoàn còn đánh giá Monsanto đã "cẩu thả" khi không chú ý đến việc cảnh báo về những rủi ro của Roundup. Thiết kế bao bì của Roundup cũng bị đánh giá là có thiếu sót, không cảnh báo đầy đủ về rủi ro.
 
edwin-hardemanv.jpg
Ông Edwin Hardemanv được Monsanto bồi thường 81 triệu USD

 

Lần đầu tiên có một phán quyết như vậy tại một tòa án liên bang Mỹ và là một đòn nặng nề giáng vào Monsanto và công ty mẹ là Bayer của Đức (Bayer mua lại Monsanto giá 63 triệu USD năm 2018).
 
Trước đó, vào tháng 8/2018, một tòa án ở San Francisco cũng phán quyết rằng thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro góp phần dẫn đến bệnh ung thư hạch không Hodgkin của người làm vườn Dewayne Johnson. Bồi thẩm đoàn yêu cầu Monsanto bồi thường 288 triệu cho Johnson, người có hai con trai nhỏ và đang bị ung thư giai đoạn cuối. Số tiền bồi thường tòa yêu cầu sau đó được giảm xuống 78,5 triệu USD, Bayer dự định kháng cáo.
 
Tập đoàn hóa chất Đức Bayer đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm gần 40% kể từ khi mua lại Monsanto có trụ sở tại Hoa Kỳ với giá 63 tỷ USD vào tháng 6/2018. Bayer phải đối mặt với tổng cộng 11.200 vụ kiện liên quan đến Roundup tại Mỹ. Trong năm 2018, Bayer bốc hơi 20 tỷ USD giá trị vốn hóa của hãng này. Trong năm 2019, Bayer sẽ đối mặt 6 phiên tòa nữa ở cấp liên bang và tiểu bang Mỹ.
 
monsanto-thuoc-diet-co-3.jpg
Sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của hãng Bayer

 

Monsanto được thành lập tại St. Louis, Missouri (Hoa Kỳ) năm 1901, với định hướng sản xuất chất tạo ngọt. Đến những năm 1940, họ sản xuất các hóa chất sử dụng trong trang trại, bao gồm thuốc diệt cỏ 2,4-D. Nhà hóa học của hãng này khám phá ra glyphosate vào thập niên 1970 và công ty bán nó ra thị trường với tên thương mại là Roundup.
Monsanto nhiều lần phủ nhận thuốc diệt cỏ gây ung thư dù Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015 xếp glyphosate vào loại "có thể là tác nhân gây ung thư".
Monsanto là công ty hàng đầu trong 37 công ty từng sản xuất thuốc diệt cỏ chứa dioxin hay chất độc da cam cung cấp cho quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Trong giai đoạn 1962-1973, quân đội Mỹ đã rải hơn 70 triệu lít chất độc da cam xuống gần 2,6 triệu héc-ta đất tại Việt Nam, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam. Hóa chất đó cũng gây tổn hại cho các binh sĩ Mỹ và các nước khác, gây ra các vụ kiện tụng về sự liên quan của Monsanto trong cuộc chiến.
 
Các nước hướng đến cấm sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate
 
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tranh luận gay gắt trong 2 năm trước khi quyết định gia hạn giấy phép cho glyphosate thêm 5 năm kể từ năm 2017. Chính phủ Pháp hứa vào tháng 5/2018 rằng glyphosate sẽ bị cấm sử dụng "cho các mục đích chính" vào năm 2021 và "cho tất cả các mục đích" trong vòng 5 năm.
 
monsanto-thuoc-diet-co-2.jpg
Các nước cảnh báo các sản phẩm diệt cỏ nguy hại của Monsanto

  

Glyphosate có yếu tố gây ung thư nên bị một số quốc gia hạn chế sử dụng. Ở một số khu vực của Argentina, nơi sử dụng lượng lớn glyphosate tại các cánh đồng đậu nành, đều có tranh cãi giữa những người dân lo lắng về sức khỏe và những nông dân coi sản phẩm này là không thể thiếu. Argentina không có quy định về glyphosate trên toàn quốc nhưng lãnh đạo địa phương ở các thị trấn và thành phố đã thông qua các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ.
 
Tháng 8/2018, một tòa án ở Brazil đình chỉ giấy phép các sản phẩm có chứa glyphosate, vốn được sử dụng rộng rãi tại cường quốc nông nghiệp Mỹ Latinh này. Tuy nhiên, một tòa án cấp cao hơn đã dỡ bỏ lệnh cấm một tháng sau đó.
 
bieu-tinh-phan-doi-thuoc-diet-co.jpg
Biểu tình phản đối trước công ty Bayer

  

Colombia cấm phun glyphosate trên không năm 2015. Năm 2013, quốc hội nước Trung Mỹ El Salvador bỏ phiếu cấm 53 sản phẩm hóa chất nông nghiệp, bao gồm những sản phẩm chứa glyphosate. Tuy nhiên, lệnh cấm sau đó được dỡ bỏ với 11 sản phẩm bao gồm cả thuốc diệt cỏ này.
 
Chính phủ Sri Lanka từng cấm nhập khẩu glyphosate tháng 10/2015 do lo ngại hóa chất gây ra bệnh thận mãn tính. Sau khi các tổ chức nông nghiệp chỉ ra rằng không nghiên cứu nào cho thấy có liên quan giữa bệnh và chất này, lệnh cấm nhập khẩu được dỡ bỏ vào tháng 7/2018. Việc sử dụng nó vẫn bị hạn chế đối với các đồn điền chè và cao su.
 
Tháng 9/2014, Séc thông báo cấm sử dụng chất glyphosate để làm thuốc diệt cỏ cũng như các loại thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Séc cho thấy việc sử dụng glyphosate ở nước này đã giảm đáng kể, từ 935.000 lít trong năm 2013 xuống 750.000 lít năm 2014.
 
monsanto-thuoc-diet-co-1.jpg
Cần nâng cao nhận thức cho nông dân về sự nguy hại của thuốc diệt cỏ

  

Ngày 25/3/2019, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân ngừng ký hợp đồng mới nhập khẩu mới các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Theo Cục này, việc ngừng nhập khẩu và tiến tới việc loại bỏ Glyphosate khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm