Hàng nghìn hécta lúa hè thu ở Nghệ An có nguy cơ bị 'xóa sổ' do nắng hạn

01/07/2019 - 12:29
Gần 1 tháng nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có mưa. Nắng nóng kéo dài nên lượng nước trên các sông, khe suối, ao, hồ ở đây đang ở mức thấp và cạn kiệt dần, khiến Nghệ An xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ, đồng ruộng nứt nẻ, ảnh hưởng rất lớn đến vụ lúa hè thu.
Đã từ nhiều ngày nay, trên địa bàn huyện Đô Lương chưa có mưa, ruộng đồng nhiều nơi khô nứt nẻ, lượng nước không đủ để phục vụ sản xuất. Vụ hè thu năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng, xóm 4, xã Đà Sơn làm 7 sào ruộng, đến nay vẫn chưa thể nhổ cỏ, tỉa dặm bởi nước không có, ruộng đồng khô nứt nẻ. Cùng chung một nỗi lo lắng, gia đình bà Đàm Thị Tâm, xóm Quyết Thắng, xã Giang Sơn Tây cũng đang sốt ruột vì lúa đã đến lúc phải tỉa dặm, nhưng nước thì chưa có. Nhiều đường nứt lớn xuất hiện trên đồng, thậm chí nhiều ngọn lúa đã có dấu hiệu khô cháy, nhưng vẫn chưa có nước về để sản xuất. 
 
hng-vn-hc-ta-la-ngh-an-c-nguy-c-cht-kh-v-hn-hn.jpg
Hàng nghìn héc ta lúa ở Nghệ An có nguy cơ "xóa sổ" vì hạn hán
Xã Giang Sơn Tây là vùng xa và khó khăn của huyện Đô Lương. Vụ hè thu năm nay, xã gieo trồng 136,8ha lúa hè thu, tuy nhiên, đến nay 50ha diện tích lúa vẫn chưa có nước.
 
“Nắng nóng kéo dài, mặc dù đã có 8 hồ, đập lớn, nhỏ để phục vụ nông nghiệp, nhưng các hồ đập hầu như đã trơ đáy, không đủ lượng nước trong đợt tiếp theo, gây nên khó khăn trong công tác chống hạn của xã”-  ông Đặng Xuân Quảng, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Tây cho biết.
Vụ hè thu năm 2019, Đô Lương gieo cấy trên 7.000ha lúa. Hiện nay, nhiều xã của còn gặp khó khăn trong công tác chống hạn như Mỹ Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn, Đại Sơn….  
 
Hiện nay, huyện Đô Lương đang có 13 xã bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra với tổng diện tích 560ha lúa hè thu. Trong khi đó, trữ lượng nước tại các hồ đập đến ngày 18/6 hầu như đã khô hạn. 43/79 hồ đập còn dưới 30% trữ lượng nước, 23 đập đã bị khô hẳn. Do xây dựng lâu và không được thường xuyên nạo vét, lượng bùn đất bồi lắng nhiều, lượng nước dữ trữ ít, thời tiết nắng nóng kéo dài nên hồ đập trên địa bàn hiện nay đã khô cạn,  không cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất hè thu. 
 
rung-ng-nt-n-do-nng-hn-ko-di.PNG
Ruộng đồng nứt nẻ do nắng hạn kéo dài
Hiện tại, toàn huyện hiện đang có hàng trăm héc ta diện tích lúa không có nước để tỉa dặm. Nếu trong thời gian tới nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất hè thu của bà con nông dân Đô Lương.
 
Nắng nóng khốc liệt diễn ra trên diện rộng đã làm cho nguồn nước trên toàn bộ hệ thống kênh Cầu Mượu, đê Kênh Thấp, sông Hoàng Cần, kênh Gai thuộc địa bàn huyện Hưng Nguyên đều cạn kiệt, hầu hết các trạm bơm phải ngừng hoạt động.
 
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), tình trạng thiếu nước nghiêm trọng diễn ra hơn 1 tuần nay với gần 1.000ha lúa bị hạn. Các xã bị nặng là Hưng Tây, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc và một số diện tích của xã Hưng Đạo, Hưng Thắng, Hưng Thông...
 
hng-nghn-ha-la-ti-ngh-an-mi-cy-c-khong-mt-thng-b-thiu-nc-ti.jpg
Hàng nghìn héc ta lúa tại Nghệ An mới cấy được khoảng một tháng bị thiếu nước tưới.
Một số diện tích có nguy cơ chết cháy nếu những ngày tới trời không có mưa. Hiện nay, gần 4600ha lúa hè thu của Hưng Nguyên đang thời kỳ đẻ nhánh rộ và chuẩn bị đẻ nhánh. Đây là thời kỳ cây lúa rất cần nước để chăm sóc, bón thúc.
 
Chị Châu Thị Thủy, xóm 8 xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, trong mấy năm gần đây, năm nay là năm nắng nóng kéo dài nhất khiến sông ngòi, kênh mương khô hạn. Gia đình có 8 sào, nhưng 2 sào bị khô hạn không có nước tưới. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài thì lúa sẽ chết khô hoặc nếu sống thì cũng sẽ cho năng suất rất thấp. 
 
“Mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng đi trộm nước để về tưới cho ruộng mình. Biết họ chửi nhưng cũng phải chịu vì nếu không lấy nước về thì ruộng lúa của nhà tôi sẽ bị chết khô hết”, chị Thủy chia sẻ. 
 
Huyện chỉ đạo xí nghiệp thủy lợi và các trạm bơm địa phương bố trí lực lượng trực 24/24  giờ bám máy bám trạm để bơm vét nước cứu lúa.
 
nhiu-h-p-trn-a-bn-tnh-ngh-an-ch-cn-rt-t-tr-lng-nc-khng-phc-v-la-h-thu.jpg
Nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ còn rất ít trữ lượng nước, không đủ phục vụ lúa hè thu.
Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, toàn tỉnh có 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý mực nước đều thấp. Trong đó chỉ có 4 hồ chứa còn đầy nước, còn lại 92 hồ có mực nước chỉ đạt trên 50%. Riêng các hồ chứa do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30 - 40% lượng nước, trong đó có một số hồ đã cạn kiệt. 
 
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, tỉnh Nghệ An đang yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương điều tiết nguồn nước hợp lý gắn với hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm.
 

Năm 2019 toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy trên 85.000ha lúa vụ hè thu, trong đó riêng diện tích vùng hồ chứa trên 15.000ha. Hiện nay vùng hồ chứa bị khô hạn khoảng trên 3.000ha, tập trung ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm