Hàng trăm người dân kiện UBND tỉnh Bắc Giang ra tòa: Thu hồi Sổ xanh vô căn cứ

31/10/2018 - 10:01
Hôm nay (31/10), phiên tòa xét xử vụ án 147 người dân khởi kiện một quyết định hành chính của UBND tỉnh Bắc Giang bước sang ngày làm việc thứ 3. Trong 2 ngày xét xử đầu tiên, chủ yếu diễn ra việc hỏi, đáp giữa các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Chính quyền khẳng định luôn làm đúng?

Người đại diện theo ủy quyền của UBND tỉnh Bắc Giang là ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; người đại diện cho bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Yên Thế. Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT và ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế là những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện.

Tại phiên tòa, phía ông Xuyên và ông Sâm luôn khẳng định việc UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/01/2015, cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại huyện Yên Thế là hoàn toàn đúng pháp luật, không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các hộ dân.

Còn phía UBND huyện Yên Thế và chủ tịch một số xã trên địa bàn có người dân khởi kiện lại khẳng định “Sổ xanh” cấp cho người dân là sai, trùng lên đất của Lâm trường Yên Thế trước đây, nên phải thu hồi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến thời điểm hiện tại, chưa hề có bất cứ một quyết định thu hồi Sổ xanh nào của các cơ quan có thẩm quyền.

toa.JPG
Hội đồng xét xử, TAND tỉnh Bắc Giang

 

Bình luận về vụ án này, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Công ty Luật hợp danh INCIP, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nêu quan điểm: Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào động viên người dân nhận rừng, thực hiện “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” từ những năm 80, các hộ dân tại các xã Tiến Thắng, Đồng Hưu, Tam Tiến, Đồng Vương, Hương Vĩ đã tiến hành khai hoang các khu đất rừng đã bị bỏ hoang lâu năm để trồng ngô, khoai sắn. Sau nhiều năm, nhờ có công của những người dân cải tạo chăm sóc, rừng đã xanh trở lại.

Năm 1993, các hộ dân sử dụng rừng được UBND huyện Yên Thế giao đất theo Giấy chứng nhận quyền quản lý kinh doanh rừng và đất rừng (Sổ xanh) với thời hạn sử dụng là 30 năm đối với diện tích đất mà họ đã khai hoang, phục hóa, quản lý và sử dụng.

Từ ngày được cấp Sổ xanh, người dân yên tâm sản xuất, bắt đầu thực hiện trồng rừng và phát triển kinh tế rừng ổn định.

Năm 1996, Lâm trường Yên Thế thu hồi Sổ xanh và hứa hẹn sẽ trả lại cho người dân Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng là 50 năm.

Từ khi bị thu Sổ xanh, người dân bị Lâm trường Yên Thế ép buộc thanh lý các Hợp đồng giao khoán thì mới được khai thác rừng do chính mình trồng và nộp lại cho Lâm trường 15% giá trị khai thác hoặc 28 khối gỗ/ha rừng quản lý.

Từ ngày khai hoang đến nay, người dân vẫn quản lý sử dụng diện tích đất mình được cấp Sổ xanh. Đến khoảng tháng 2/2017, các hộ dân mới được biết UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 về việc cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế  thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đối với diện tích chồng lấn lên diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các hộ dân.

Có thể khẳng định, việc ban hành Quyết định 35 nêu trên đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không những thế còn vi phạm quy định của pháp luật.

Thu Sổ xanh của người dân là trái pháp luật

Cũng theo luật sư Vũ Văn Thiệu, năm 1993, căn cứ Luật Đất đai, Quyết định số 184/HĐBT ngày 06/11/1982, Quyết định 327/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/09/1992,Quyết định 678/UB của UBND tỉnh Hà Bắc ngày 21/09/1998, UBND huyện Yên Thế cấp cho các hộ dân Sổ xanh với nội dung: “giao cho ông/bà… được quản lý, sản xuất, kinh doanh rừng và đất lâm nghiệp”.

Các Sổ xanh được cấp đều ghi rõ diện tích, vị trí lô, khoảnh và kèm theo Sơ đồ rừng và đất lâm nghiệp tỷ lệ 1:10000 chỉ rõ ranh giới, mốc giới.

Điều II Sổ xanh có nội dung “Ông/bà… được quyền chủ động sản xuất kinh doanh nông lâm kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước và của HTX ổn định lâu dài thời gian là 30 năm và được hưởng sản phẩm do thành quả lao động của mình làm ra theo chế độ chính sách hiện hành, được thừa kế và chuyển quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo luật đất đai. Khi nhà nước cần thu hồi rừng và đất lâm nghiệp vào mục đích khác, gia đình được bồi thường thành quả lao động đã làm ra và được nhà nước giao cho khu đất khác (nếu còn)”.

Với những nội dung ghi rõ trong Sổ xanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất rừng của các hộ dân. Sổ xanh được cơ quan nhà nước (UBND huyện Yên Thế) cấp đúng thẩm quyền, giao đúng đối tượng là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, có giá trị pháp lý, là quyền tài sản thuộc sở hữu các hộ dân được giao.

so.JPG
Hàng trăm người dân đến tham dự phiên tòa

 

Từ ngày được cấp Sổ xanh, các hộ dân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, sử dụng đất được giao đúng mục đích, khai hoang, trồng mới rừng theo chủ trương của Nhà nước, phát triển sản xuất, hoàn thành tốt các mục tiêu của Nhà nước khi giao đất, có công phủ xanh diện tích đất hoang hóa và đồi núi trọc.

Từ những căn cứ nêu trên, tôi cho rằng Sổ xanh của người dân trong vụ án này có giá trị pháp lý như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, là chứng cứ thể hiện quyền sử dụng đất hợp pháp của những người khởi kiện trong vụ án này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, tại phiên tòa hôm nay, chính đại diện UBND huyện Yên Thế lại phủ nhận giá trị của Sổ xanh, khẳng định việc cấp sổ này là trái pháp luật, cần phải thu hồi. 

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm