Hàng xóm ốm đi cấp cứu bị dựng chuyện thành đánh nhau vỡ đầu

18/02/2019 - 16:35
Hôm đó, huyết áp tăng vọt, anh Kiên phải đi cấp cứu. Không hiểu chị Mơ, hàng xóm nhà anh, nghe chuyện kiểu gì mà kể lại với mọi người là vợ chồng anh Kiên và chị Thơm đánh nhau. Chị Thơm giận quá nên cầm bình hoa đập thẳng vào đầu chồng, máu me be bét, chẳng biết có qua khỏi không…

1. Đã là phụ nữ thì hầu như ai cũng ít nhiều có tính… hay buôn. Nhưng “buôn” tới mức như chị Mơ thì đúng là khiến nhiều người phải “nể phục”. Bà Tính, mẹ chồng chị Mơ, nổi tiếng là người vui vẻ, dễ gần, hàng xóm đều nhận xét từ xưa đến nay bà sống rất biết điều và xởi lởi.

Nhưng chị Mơ ngồi đâu cũng ý kiến về mẹ chồng. Qua câu chuyện của chị, không ai có thể hình dung ra đó là bà Tính mà họ vẫn gặp. Đơn giản như chuyện các con đi làm, lẽ ra ở nhà cả ngày bà cũng nên lo chuyện chợ búa cơm nước, đón bọn trẻ lúc tan học.

 

buon-dua-le1.jpg
Nhiều phụ nữ có thể "buôn dưa lê" mọi lúc, mọi nơi - Ảnh minh họa

 

“Mẹ chồng cháu không làm gì, bữa tối muộn mấy cũng chờ con dâu về nấu. Cháu bận cả ngày, chiều đón bọn trẻ về lại loay hoay tắm giặt, rồi mới cơm nước được. Nhiều hôm 9 giờ tối cả nhà mới ngồi vào mâm. Ăn xong lại dạy trẻ con học, rồi dọn dẹp. Lên giường lúc nửa đêm, cháu mờ hết cả mắt. Mọi người cứ nghĩ lấy chồng giàu sướng nhưng cháu chỉ kể một chuyện nhỏ vậy thôi để các cô biết cháu khổ đến mức nào!”, chị Mơ ca thán.

Chuyện này cả xóm đều thuộc lòng. Nhiều người nghe xong cũng tỏ ra thương cảm nhưng không ít người tỉnh táo hỏi lại: “Cô thấy cháu toàn đi đến 7-8 giờ tối mới về, trường nào còn trông trẻ con đến giờ đó?”; “Cháu đi chợ vào lúc nào?”; “Sáng nào cô cũng thấy mẹ chồng cháu đi chợ mà?”… Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng lần nào Mơ cũng có chuyện hoặc đang vội không thể trả lời ngay.

Có bà tế nhị hỏi mẹ chồng chị Mơ chuyện đón cháu nội buổi chiều thì bà tặc lưỡi kể, hai đứa nhỏ tan ở trường là ở lại học thêm luôn; hoặc có hôm sẽ có bác xe ôm quen đón rồi di chuyển đến câu lạc bộ hoặc lớp năng khiếu… “Thương bọn nhỏ, cả ngày học, tối lại học, vợ chồng tôi cũng có ý kiến rồi mà vợ chồng nó vẫn muốn cho con học nên đành chịu!”, “Tối nào cũng 9-10 giờ mới ăn tối. Nghĩ một ngày có duy nhất một bữa đông đủ cả nhà nên vợ chồng tôi cũng chờ cùng nhưng chắc sắp tới phải làm hai bếp mất. Già rồi không thể sinh họat theo bọn trẻ!”…

dung-chuyen.jpg
Ngồi đâu chị Mơ cũng có thể miệt mài “sáng tác”, hết chuyện nhà mình đến chuyện nhà hàng xóm - Ảnh minh họa

 

2. Không chỉ chuyện nhà mình mà chuyện của những nhà khác trong xóm cũng được Mơ “thêu dệt” đủ kiểu. Vợ chồng chị Thơm - anh Kiên từng là nạn nhân của chị Mơ.

Hôm đó, trời lạnh, anh Kiên vốn bị cao huyết áp nên huyết áp tăng bất ngờ, uống thuốc cũng không đỡ nên quyết định đi bệnh viện. Xe cấp cứu đến chở hai vợ chồng lao đi vun vút. Mẹ chị Thơm phải đến trông con giúp. Chị Mơ nói chuyện cùng mẹ chị Thơm một lúc rồi ra hàng bún ngan đầu ngõ ăn sáng.

Không hiểu chị nghe chuyện kiểu gì mà “thêm mắm thêm muối” khi kể lại với mọi người là anh Kiên chị Thơm đánh nhau. Chị Thơm bị chồng tát sưng má, giận quá nên cầm bình hoa đập thẳng vào đầu chồng, máu me be bét nên phải đi cấp cứu, chẳng biết có qua khỏi không. “Tôi nghe mẹ chị Thơm nói, sau trận này sẽ đón con gái về, không cho ở đây nữa. Cưới nhau mấy năm thì năm nào cũng có vài trận đấm đá, bà ấy thương con gái không chịu nổi”…

Chị Hoàng làm công tác phụ nữ ở phường nghe chuyện nên tối đó, đã cùng các hội viên đến nhà thăm chị Thơm. Mọi người đều bất ngờ khi toàn bộ câu chuyện chị Mơ kể không có nổi một phần trăm sự thật.

Sau hôm đó, chị Hoàng tìm chị Mơ nói chuyện và đề nghị không nên chuyện bé xé ra to và thêu dệt chuyện nhà hàng xóm như vậy. Không rút kinh nghiệm, chị Mơ còn oang oang theo kiểu “vừa ăn cắp, vừa la làng”: “Tôi nói vậy hồi nào? Chị nói gì có lý chút đi! Sao tôi lại dựng chuyện nhà người khác như thế, tôi có được lợi gì khi làm vậy đâu?”…

Theo thời gian, cả ở nơi chị sống lẫn nơi làm việc, chẳng ai bảo ai, mỗi khi thấy chị Mơ ngồi đâu là mọi người tự nhiên âm thầm rút dần, chẳng ai còn muốn nghe hay mất thời gian quan tâm đến những chuyện “không có thật” do chị Mơ miệt mài “sáng tác” nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm