Hạnh phúc lúc nửa đêm và những vụ ly hôn nghìn tỉ

28/06/2019 - 15:54
Hôm nay là Ngày Gia đình Việt Nam. Đến giờ này trên facebook cá nhân của nhiều người đã up những tấm hình gia đình, tôi tin những thành viên trong tấm ảnh đều cảm thấy niềm hạnh phúc.

Chúng tôi có một quán ăn nhỏ, việc đi chợ từ mờ sáng cho chúng tôi cơ hội được nhìn rộng hơn về những gia đình có nếp sinh hoạt khác với nhiều gia đình bình thường trong xã hội.

Về cơ bản, một gia đình có nếp sinh hoạt bình thường theo nhịp sinh học sẽ có một bữa tối có thể sớm, có thể muộn nhưng sẽ có giấc ngủ hoàn hảo cho đến sáng ngày hôm sau. Thức dậy và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

 

bna_chodaumoi_kienrose161887_2262018.jpg
Chợ đầu mối sôi động trong đêm 

Những gia đình ở chợ đầu mối không vậy. Nếu 4 giờ sáng, tôi có mặt ở chợ đầu mối thì họ đã ở đó từ 12 giờ đêm, muộn lắm là 1 giờ sáng để kịp phân loại hàng hóa và sắp xếp chuyển đi cho khách hàng. Mọi việc phải hoàn tất trước 5 giờ sáng.

Hầu hết các sạp hàng ở đây đều có hai vợ chồng cùng làm.

Chị hàng dừa trong khi vừa nạo dừa vừa sắp hàng thì có anh chồng kiệm lời ở bên chặt dứt khoát hàng chục quả dừa một lúc. Không nghe thấy tiếng anh nói nhưng bóng anh cần mẫn di chuyển từ chỗ chặt dừa đưa nước hoặc cân cùi dừa cho khách hàng.

Chị hàng rau sau nhiều năm làm việc trong tư thế cúi khiến cái lưng còng xuống nhưng luôn có anh chồng trẻ ở bên cạnh phụ giúp phân loại rau. Những lúc rảnh việc, anh tự thu xếp một giấc ngủ ngay trên yên xe bên cạnh vợ để sẵn sàng đi giao hàng bất cứ lúc nào. Anh cũng là "thư ký riêng" nhắc chị chi tiết từng đơn hàng. Vậy mà lúc chị sắp thiếu đồ, làm anh phải vòng lại mấy cây số, anh vẫn nhẹ nhàng: "Linh ơi, đưa anh túi măng. Em cứ thế này anh lại phải nghe người ta trách". Chị vợ vừa chuyển hàng ra cho chồng vừa cười tươi: "Ối đấy, anh cứ vừa nhắc đã lại quên nhỉ. Thôi, anh chịu khó".

Chị hàng gà có anh chồng tay năm tay mười đun nước cắt tiết làm gà nhanh thoăn thoắt. Anh tự gọi mình là "đồ tể riêng của vợ". Anh bảo không phải vợ còn lâu mới bắt anh sát sinh nhiều như thế được. Thỉnh thoảng lại có màn "dỗi vợ" không đi chợ, có đợt kéo dài cả tuần. Vắng bóng anh, chị bận tối mắt tối mũi, vẫn chỉ trách yêu chồng: "Sắp làm bố vợ rồi mà như trẻ con nhưng không dỗi được lâu nữa đâu".

Vợ chồng nhà bán cá thì chí chóe suốt ngày. Vợ giục chồng mổ nhanh mà phải cẩn thận kẻo làm vỡ bọng mật đắng. Chồng mắng vợ lắm mồm, cứ làm tốt việc của mình đi. Thế mà khi chồng trèo lên ghế nhựa để với cá trong chiếc thùng to đùng buộc sau xe, dù đang làm gì vợ cũng chạy lại giữ ghế vì sợ "ngã thì khổ". Còn chồng thấy vợ lắm điều lại nhắc: "Khéo lại đứt tay giờ".

 

tin-gia-dinh-2.jpg
Ảnh minh họa

 

Còn có rất nhiều đôi vợ chồng khác làm cùng nhau ở cái chợ đầu mối như vậy. Cùng làm việc, cùng chia sẻ cuộc sống có nhịp sinh học khác đa số trong cộng đồng.

Thời gian gần đây, ở đâu cũng thấy thừa thãi những thông tin về những gia đình tan vỡ. Trong nước thì vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên; ngoài nước có vụ ly hôn triệu đô của ông chủ Amazon. Trước ngày gia đình, cư dân mạng đang khóc rưng rức với vụ ly hôn của hai cặp đôi diễn viên vàng của Hàn Quốc, Trung Quốc... Họ không thiếu tiền, không thiếu sự nổi tiếng. Thông tin về gia đình họ khiến người ta nghi ngờ về giá trị nền tảng của một mái ấm. Đồng thời là liều thuốc AQ cho nhiều cá thể tồn tại trong cái gọi là gia đình.

Quay lại cái chợ đầu mối. Có thể những đôi vợ chồng ở đây không có nhiều tiền, càng không mấy người biết đến. Có thể họ không biết có một ngày gọi là Ngày gia đình. Họ chỉ có duy nhất gia đình và sự sẻ chia của vợ chồng trong cuộc sống.

Trong cuộc mưu sinh lấy đêm làm ngày kia, họ có hạnh phúc không?

Tôi tin là có.

Bởi nếu không, họ đã chẳng vượt qua nổi những khó khăn của một cuộc sống có nhịp độ khác người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm