Hành trình đẫm nước mắt sau ngày bị hàng xóm lừa bán qua biên giới

Hà Khê
23/09/2021 - 15:00
Hành trình đẫm nước mắt sau ngày bị hàng xóm lừa bán qua biên giới

Một nạn nhân của mua bán người kể lại sự việc. Ảnh minh họa

Tin tưởng vào vợ chồng hàng xóm, 2 cô gái trẻ đã nhờ đưa vào miền Nam để làm ăn, không ngờ khi thức dậy thì thấy mình đang ở trên một con tàu lênh đênh giữa biển…

Chuyến đi định mệnh

Đã gần 24 năm kể từ ngày được vợ chồng hàng xóm "đưa vào Nam làm ăn" để rồi bị lừa bán sang xứ người, chị L.T.H. (SN 1979, trú tại thị trấn Triệu Sơn, Thanh Hóa) vẫn nhớ như in những tháng ngày tủi cực đã phải trải qua. Dù đã được giải thoát và trở về quê mẹ gần 20 năm nay nhưng nỗi đau dường như chưa một ngày nguôi ngoai với chị, bởi những kẻ gây ra nỗi đau cho chị vẫn chưa phải trả giá.

Theo lời kể của chị, H. sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên đã sớm nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Ngày đó (những năm 1990), ở quê của chị H. có "phong trào" đi làm ăn ở miền Nam. Thấy cuộc sống khó khăn, chị bàn với bạn là chị N.T.T (SN 1978, hàng xóm) cùng vào miền Nam làm ăn. Không biết cách vào miền Nam, H. và T. đã đem câu chuyện này kể với vợ chồng người hàng xóm là H.V.U (SN 1957) và N.T.T (SN 1960) về dự định của mình. Sau đó, vợ chồng U. nhận lời giúp đỡ, đưa 2 người vào miền Nam. Nghe hàng xóm nói vậy, hai chị mừng rỡ, về nhà chuẩn bị đồ đạc để chờ ngày lên đường.

Tối 22/2/1997, H. và T. mang hành lý sang nhà vợ chồng U. để khởi hành vào miền Nam. Hai vợ chồng U. thuê xe ôm dẫn hai cô gái trẻ đến gặp một người phụ nữ tên là Y. (U. giới thiệu Y. là em gái của vợ). "Ông U. bảo tôi và T. ở lại nhà bà Y. để vài ngày nữa cùng đi vào miền Nam. Sau đó U. ra về", chị H. nhớ lại.

Theo lời kể của chị H., khoảng 3 giờ sáng 27/2/1997, Y. đưa hai người lên xe ô tô và nói là đi miền Nam. "Trong suốt quá trình di chuyển, chúng tôi bị Y. cho uống thuốc nên hầu như không tỉnh táo để nhận biết mọi việc xung quanh. Trong lúc mơ màng, tôi biết được Y. đưa tôi lên tàu ở Hải Phòng. Sau khi xuống tàu, tôi mới biết mình bị đưa đi Trung Quốc. Tôi và T. khóc đòi Y. đưa về nhưng khi đó chị Y. nói: "Vợ chồng nhà T. U. đã bán hai đứa cho tao rồi", chị H. kể.

Sau khi tới Trung Quốc, chị H. và chị T. đã bị Y. nhốt trong một căn nhà luôn khóa cửa và canh phòng cẩn mật. Khoảng 1 tháng sau, chị H. bị Y. bán cho một người đàn ông Trung Quốc khoảng ngoài 60 tuổi. "Trong quá trình bị ép sống chung, tôi bị cưỡng bức và phải sinh con cho ông ta. Tôi sinh con 2 lần, một lần vào năm 1998, lần thứ hai vào năm 1999. Trong thời gian ở nhà người đàn ông Trung Quốc này, tôi luôn bị người này giám sát, đề phòng tôi bỏ trốn. Sau khi tôi sinh con thứ hai, gia đình người đàn ông Trung Quốc cưỡng ép tôi đi triệt sản, dẫn đến tôi bị mất hoàn toàn khả năng sinh sản", H. xót xa nhớ lại.

Về phần bố mẹ chị H. và chị T., vì thấy con gái bỗng nhiên mất tích nên đã tìm kiếm, thông tin tới chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do điều kiện thông tin liên lạc khó khăn nên thời điểm đó họ không thể kết nối được với con và nghĩ có thể 2 người đã vào miền Nam làm ăn.

Ông Lê Đình Cảnh (SN 1958, nguyên là công an viên của xã Minh Châu, nay là thị trấn Triệu Sơn) nhớ lại, năm 1997, không nhớ rõ ngày tháng cụ thể, ông nhận được tin báo của gia đình ông L.Đ.T (bố chị H.) về việc chị H. và chị T. mất tích cùng 1 ngày. Sau đó, đến tháng 4/2002, chị N.T.T. bỗng nhiên trở về quê. Lúc này mọi người mới biết 2 chị bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ xứ người. Ông Cảnh nhớ lại, khi đó ông cũng được mời đến để chứng kiến thì chị T. kể lại về việc mình và H. bị vợ chồng U, T. lừa bán. Sau đó, gia đình chị H. đã phối hợp với chị T. cùng lên kế hoạch giải cứu, đưa chị H. trở về Việt Nam. Chị T. đã dẫn theo người nhà chị H. vượt biên sang Trung Quốc, chờ cơ hội để đón chị H. về nước.

Tháng 4/2002, lấy lý do đi chợ, chị H. đã trốn sang nhà chị T. ở bên Trung Quốc và được anh trai cùng người nhà đón rồi tất cả vượt đường rừng để về Việt Nam. Ngày 26/4/2002, chị H. về đến nhà tại xã Minh Châu, huyện Triệu Sơn. Theo lời kể của chị H., ngay khi con gái trở về nước, ông L.Đ.T đã tổ chức cuộc họp gia đình, trong đó có sự tham gia của chính quyền xã cùng với đối tượng đã bị tố lừa bán 2 cô gái. Tại buổi họp, N.T.T. (vợ U) đã thừa nhận toàn bộ tội lỗi, xin lỗi chị H. và gia đình trước sự chứng kiến của những người tham dự. "T. đề nghị tôi và gia đình không đưa ra giải quyết tại các cơ quan pháp luật mà để T. và U. khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, sau họ đã từ chối trách nhiệm, không thực hiện khắc phục hậu quả cho tôi và gia đình như đã hứa", chị H. kể lại.

Làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng

Kể từ ngày trở về, dù được sống cùng gia đình nhưng nỗi đau về những gì đã trải qua vẫn luôn giày vò chị. Chị H. kể, từ thời điểm quyết định tố giác vụ việc đến cơ quan công an, chị và gia đình luôn sống trong sự coi thường, tủi nhục vì những lời bàn tán của dân làng. Đau đớn hơn, vì gia đình người chồng bên Trung Quốc ép chị phải triệt sản khiến chị mất đi khả năng làm mẹ. "Cũng vì thế, tôi luôn bị giày vò khi không thể làm tròn bổn phận của người con, phải để bố mẹ tuổi cao, sức yếu bận tâm về hạnh phúc cả đời của mình", chị H. gạt nước mắt nói.

Sau khi chị H. và gia đình gửi đơn tố cáo, ngày 20/9/2002, Công an huyện Triệu Sơn đã có công văn số 361 trả lời với nội dung: Việc làm của vợ chồng T. và U. có dấu hiệu của tội mua bán phụ nữ. Việc xác minh điều tra ban đầu, Công an huyện Triệu Sơn đã hoàn tất và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Công an tỉnh Thanh Hóa để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà sau đó chị H. không nhận được phản hồi từ cơ quan công an về tiến trình giải quyết vụ án. Vì thế, chị H. và gia đình tiếp tục gửi đơn tới cơ quan công an cũng như các cơ quan chức năng của địa phương.

Ngày 1/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo gửi tới chị H. với nội dung tạm dừng kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm với lý do: "Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa xác định: Hiện nay đối tượng chính trong vụ việc đã chết, các tài liệu không đủ để chứng minh buộc tội đối với Hà Văn U. và Nguyễn Thị T.".

Thông báo cũng nêu rõ, chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu vụ việc này về Đội Phòng, chống tội phạm có tổ chức và mua bán người để tiếp tục theo dõi, khi có đủ căn cứ thì xử lý các đối tượng theo luật định. Hiện chị H. vẫn không đồng tình với thông báo của Công an tỉnh Thanh Hóa và tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. "Trong khi gia đình tôi vất vả kêu cứu từng ngày không được giải quyết thì những người đã bán tôi sang Trung Quốc vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật", chị H. xót xa nói.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người nhằm mục đích hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán người nhằm mua bán trẻ sơ sinh, nội tạng, bộ phận cơ thể.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm