Hành trình nghị lực để làm bố của người đàn ông Ninh Bình không thể xuất tinh

LÊ PHƯƠNG
27/06/2022 - 11:50
Hành trình nghị lực để làm bố của người đàn ông Ninh Bình không thể xuất tinh
Bằng những nỗ lực của bản thân, cùng với sự hỗ trợ của y học, vợ chồng anh Đức, chị Thu đã được đón con yêu chào đời.

Đối với mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn, hành trình tìm kiếm con yêu chẳng bao giờ là dễ dàng. Vẫn biết, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng khi nghe câu chuyện của vợ chồng anh Trần Văn Đức và chị Doãn Thị Thu Hoài (cùng SN 1987, ở Ninh Bình), nhiều người vô cùng khâm phục về ý chí và nỗ lực vươn lên của hai vợ chồng.

Anh Đức và chị Hoài cưới nhau năm 2014. Men say hạnh phúc của hai người chỉ kéo dài được vài tháng, khi anh Đức bất ngờ bị tai nạn lao động, phải nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Việt Đức, chàng thanh niên trẻ được chẩn đoán bị dập tủy sống cổ, không thể can thiệp gì.

“Thời gian nằm ở viện, chân tay tôi bất động nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Điều mong muốn duy nhất của tôi khi đó là có thể tới gần được ổ điện để giải thoát bản thân. Đồng thời để vợ mới cưới đi tìm hạnh phúc mới và người thân đỡ khổ”, anh Đức tâm sự.

Câu chuyện của vợ chồng anh Đức khiến rất nhiều người khâm phục và cảm động. Ảnh Lê Phương

Sau thời gian nằm viện, anh Đức phải nằm liệt giường suốt 2 năm, được chăm sóc như một đứa trẻ. Suốt khoảng thời gian đó, người chồng trẻ luôn tìm cách để giải thoát bản thân nhưng bất thành. Dù được vợ chăm sóc tận tình, nhưng anh luôn tỏ thái độ cáu gắt, mắng chửi vợ. Anh làm vậy vì muốn vợ hãy rời xa một kẻ bại liệt, vô tích sự như mình.

Dẫu vậy, chị Hoài chẳng một lời ca thán, hàng ngày vẫn phục vụ chồng “từ A đến Z”. Chị sẵn sàng đưa chồng đi khắp nơi, với mong muốn chồng có thể phục hồi được. Vậy nhưng suốt 2 năm, mọi cố gắng đều lực bất tòng tâm.

Không đầu hàng số phận, chị Hoài từng ngày, từng giờ động viên chồng cố gắng vượt lên chính mình. “Không biết bao đêm tôi khóc thầm vì thương chồng, thương cho số phận mình, nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc. Rồi những lúc hai vợ chồng bên nhau, tôi vẫn luôn thủ thỉ với chồng về việc hãy cố gắng và không ngừng hy vọng về những đứa con trong tương lai”, chị Hoài kể.

Chị Hoài đã khóc nghẹn khi chia sẻ về những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Ảnh: Lê Phương

Mưa dầm thấm lâu, anh Đức nhận ra rằng, nếu mình cứ cáu kỉnh, không cố gắng thì phụ công người vợ hiền. Vậy là từng bước một, từ tập ngồi đến lần theo thành giường, tập đi… Chỉ sau một năm, nỗ lực ấy đã được đền đáp, anh có thể chập chững những bước đi đầu tiên. “Quả thật, quá trình tập đi của tôi như một đứa trẻ, chỉ có bò là tôi “trốn” không thực hiện”, anh Đức tâm sự.

Những bước đi dù chưa vững chắc, nhưng do tuổi đã cao hai vợ chồng anh Đức hạ quyết tâm sẽ sinh con. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám, may mắn thay hệ thống sinh sản của cả hai không vấn đề gì. Mừng rỡ trở về nhà, thế nhưng sau nhiều lần “thân mật” anh chị mãi chưa đón nhận tin vui.

Quá sốt ruột, cả hai lại ra Hà Nội thăm khám, do không đủ kinh phí làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) nên họ quyết định thực hiện phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), nhưng vẫn thất bại.

Anh Đức cảm ơn vợ và những người thân luôn ở bên hỗ trợ để anh có được như ngày hôm nay. Ảnh: Lê Phương

Mọi thứ tưởng chừng như đã chấm hết với đôi vợ chồng bất hạnh. Thế nhưng một cuộc điện thoại vào năm 2020 về việc bệnh viện sẽ hỗ trợ miễn phí 100% làm IVF cho hai cặp vợ chỗng đã thắp lại niềm tin cho anh Đức, chị Hoài.

“Quả thật khi nộp hồ sơ tôi lo lắm, vì có hàng trăm cặp vợ chồng khác cũng đăng ký nhưng chỉ có 10 cặp được hỗ trợ. Đến khi bệnh viện thông báo kết quả được duyệt, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc vì hạnh phúc”, chị Hoài nhớ lại.

Trong lần chuyển phôi đầu tiên, chị Hoài đã thành công. Đặc biệt, khi biết mang thai đôi, hai vợ chồng chị Hoài vui sướng, hạnh phúc vô cùng. Dù quá trình mang thai chị Hoài vẫn phải chăm chồng, đi làm công nhân may và một mình đi khám thai nhưng chị vẫn vui vì niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực.

“Ngày vợ vào viện đẻ tôi không đi cùng được, chỉ ngồi nhà dõi theo qua điện thoại. Đến khi hai con chào đời bằng phương pháp sinh thường, tôi ôm mặt khóc rưng rức. Tôi cảm ơn vợ rất nhiều, vì em đã hy sinh cả tuổi thanh xuân dành cho tôi. Yêu em rất nhiều!”, anh Đức nhắn nhủ tới người vợ thân yêu.

Trải qua bao sóng gió, vợ chồng anh Đức đã có trái ngọt là hai con trai kháu khỉnh. Ảnh: Lê Phương

Ths.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh Đức và chị Hoài là trường hợp vô cùng đặc biệt, nhất là nghị lực vươn lên trong cuộc sống và nỗ lực không biết mệt mỏi để có được con yêu.

Đối với anh Đức, bị chấn thương tủy sống cổ đã ảnh hưởng đến phản xạ xuất tinh, vì liên quan đến thần kinh tủy sống. Đó là lý do dù vẫn sinh hoạt tình dục được, vẫn sinh tinh trong mào tinh, nội tiết, hóc môn vẫn còn nhưng do không có phản xạ xuất tinh nên anh không thể có con tự nhiên.

"Với chấn thương dập tủy sống, một số trường hợp có thể điều trị được nhưng sẽ gặp khó khăn, cơ hội sinh con rất thấp. Còn trường hợp anh Đức, sau khi thăm khám tinh hoàn không bị teo, chất lượng tình trùng khá ổn, nên chúng tôi thực hiện tìm tinh trùng trong tinh hoàn và lấy tinh trùng thụ tinh cho người vợ. Trường hợp này, việc tìm tinh trùng không phức tạp, không cần phải thực hiện vi phẫu bắt tinh trùng", bác sĩ Việt chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm