pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hậu phương kiên cường của các Liệt sĩ thời bình

Cán bộ, hội viên Hội LHPN xã A Sào cùng ông Nguyễn Văn Tự thắp hương tri ân Liệt sĩ Nguyễn Thế Vinh
"Anh hy sinh, tôi mất gần 8 năm mới có thể ổn định tâm lý và nguôi đi nỗi nhớ chồng"
Gần đến ngày Lễ tri ân các Anh hùng Liệt sĩ 27/7, thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong Nghĩa trang Liệt sĩ ở nhiều địa phương của tỉnh Hưng Yên, có từng nhóm cán bộ, hội viên phụ nữ và Đoàn thanh niên xã cần mẫn lau chùi, tỉ mỉ làm đẹp bia Tổ quốc ghi công và từng phần mộ các Liệt sĩ để bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ, tri ân đến anh linh các Liệt sĩ an nghỉ ở xã nhà.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình Liệt sĩ Lại Huy Công (anh hy sinh năm 2012 khi đang công tác ở đảo Đá Lớn - đặc khu Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là những khoảng lặng, nỗi nhớ chồng, nhớ cha của 3 mẹ con chị Tô Thị Vân (SN 1981), giáo viên Trường TH&THCS Thụy Hải (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái bình cũ), nay thuộc xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên. Chị Vân kể: "Anh Công được đồng đội an táng ở cụm đảo Nam Yết, đến năm 2020, Quân chủng Hải quân và đồng đội đơn vị mới đưa anh về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Thái Thụy (cũ) với mẹ con tôi và gia đình".
Cô giáo Tô Thị Vân bên các học trò
Hơn 4 năm vợ chồng, anh Công về thăm vợ con được 4 lần. Có lần anh về phép được 1 tháng, có lần chỉ là 5 ngày phép ngắn ngủi, 2 vợ chồng chị đều trân trọng từng ngày ít ỏi để bù đắp mọi nỗi nhớ thương. C
"Anh hy sinh, tôi mất gần 8 năm mới có thể ổn định tâm lý và nguôi đi nỗi nhớ anh. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể quên hình ảnh của lần anh về phép tranh thủ khi con trai đầu lòng phải nằm viện. 5 ngày phép khi ấy trôi qua rất nhanh, anh xách ba lô ra phía cổng bệnh viện mà cứ vừa đi, vừa ngoái lại. Tôi biết, anh thương vợ con rất nhiều nhưng vì nhiệm vụ của Tổ quốc, anh vẫn phải bước về phía trước. Tôi càng thương anh nhiều hơn và động viên anh cứ yên tâm ra đảo công tác, vợ ở nhà sẽ chăm con khỏe nhanh…", chị Tô Thị Vân kể trong nước mắt.
Nỗi nhớ thương người chồng hy sinh giữa thời bình đã từng dày vò chị biết bao đêm khuya vắng nhưng bằng tất cả nghị lực của người vợ Liệt sĩ, cô giáo Tô Thị Vân đã kiên cường từng ngày vượt qua, thay anh nuôi dạy 2 con khôn lớn. "Anh Công rời xa mẹ con tôi đến nay 13 năm rồi. 2 con tôi (con trai chuẩn bị lên lớp 12, con gái vào lớp 8) dẫu lớn lên thiếu vắng tình thương của cha nhưng các con dường như trưởng thành và tự lập sớm hơn các bạn cùng tuổi. 2 anh em luôn động viên nhau gắng chăm ngoan học hành, giúp mẹ việc nhà.
Còn với tôi, nhìn lại những năm tháng khó nhất của đời mình, tôi đã đi qua được, nên những ngày tháng sau này có lẽ chẳng còn bất cứ nỗi sợ hãi, lo lắng nào mà bản thân không thể vượt qua được nữa" - nụ cười nhẹ, có sự bình yên phảng phất trên gương mặt người vợ nhỏ bé mà kiên cường của Liệt sĩ Hải quân.
Gia đình có 5 Liệt sĩ và 2 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng
Dưới nắng chiều bỏng rát những ngày cuối tháng 7, ông Nguyễn Văn Tự, thôn Lam Cầu 2, xã A Sào, tỉnh Hưng Yên, sải bước dài đưa chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ xã A Sào. Bàn tay người cha có mái tóc hoa râm run run sờ lên tấm bia mộ đá như một thói quen và bảo: "Cháu Nguyễn Thế Vinh (SN 1995) nằm đây cô ạ. Cháu là Liệt sĩ trẻ nhất Nghĩa trang này, khi hy sinh, cháu Vinh vừa tròn 19 tuổi".
Ông Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã A Sào, khi chúng tôi gặp ở trụ sở làm việc luôn toát lên phong thái điềm đạm, tự tin, thân thiện với mọi người xung quanh. Chỉ khi ông lần tìm lại những tấm hình lưu trong điện thoại của Liệt sĩ Nguyễn Thế Vinh, nhìn con trai trong trang phục người lính biển cùng nụ cười tươi sáng ở tuổi 19, gương mặt ông như cố nén cảm xúc thương nhớ con đến tận đáy lòng.
"Vinh là con trai lớn của tôi, sau Vinh còn em trai kém 11 tuổi. Nó là đứa giống bố nhất từ cả khuôn mặt, dáng đi. 12 năm học phổ thông, Vinh đều là học sinh giỏi, làm lớp trưởng và có năng khiếu văn nghệ, hoạt náo ở đám đông y như bố. Nhưng Vinh hơn tôi là có năng khiếu và học rất giỏi về công nghệ thông tin, tiếng Anh từ cấp 1 đến cấp 3" - trong đôi mắt của người cha ngoài ngũ tuần như đã khô cạn vì nỗi nhớ con hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Tự vẫn không giấu nổi niềm tự hào, chia sẻ.
"Khi Vinh học xong cấp 3, con đăng ký nguyện vọng thi Đại học Công nghiệp, Khoa Công nghệ thông tin. Thời gian đó, ở địa phương có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự, là lãnh đạo địa phương, tôi động viên con trai hãy tham gia quân ngũ rồi sau về học cũng không muộn. Vinh nghe lời bố tham gia quân ngũ, theo con đường của ông bà nội, ngoại đã trải qua. Vinh đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và thực hiện ước mơ của chàng trai tuổi 18" - ông Nguyễn Văn Tự kể.
Ông Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã A Sào, ngắm lại tấm hình của con trai - Liệt sĩ Nguyễn Thế Vinh trong trang phục của người lính biển
Mấy tháng cuối năm 2013, Nguyễn Thế Vinh huấn luyện ở Lữ đoàn Công binh 131, Quân chủng Hải quân (tại Hải Phòng). Đầu năm 2014, Vinh vào Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ ở Lữ đoàn 83 Hải quân (thuộc Vùng 3 Hải quân). Tháng 8/2014, sau khi được về phép thăm gia đình, Vinh lại cùng đơn vị tăng cường để thi công hoàn thiện tuyến đường tuần tra biên giới ở tỉnh Quảng Nam (cũ), nay là TP Đà Nẵng. Mỗi khi có thời gian rảnh, Vinh đều điện thoại về nhà hỏi thăm gia đình.
Ông Tự nhớ lại: "Tối 15/12/2014, ăn cơm xong, 2 bố con nói điện thoại rất lâu, nói từ chuyện trong nhà, hàng xóm đến bạn bè, đơn vị của con. Con nói nhớ ông bà, nhớ nhà nhiều lắm và cho biết 4 ngày nữa, đơn vị con sau khi hoàn thành tuyến đường trên sẽ ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ, sẽ xa cách đất liền lâu hơn… Con dặn bố chăm sóc mẹ thường xuyên đau yếu, dặn em trai phải chăm ngoan để bố mẹ, ông bà không phải vất vả… Tôi không thể ngờ, đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của 2 bố con. Chiều ngày 16/12/2014, chiếc xe của đơn vị Vinh trên đường từ biên giới trở về nơi đóng quân thì gặp tai nạn, 9 cán bộ, chiến sĩ trên xe thì 5 người hy sinh, trong đó có Vinh…".
Từ ngày Vinh mất, mẹ Vinh trầm tính hơn, ít nói cười, nhất là dịp tháng 7 tri ân Liệt sĩ và ngày Tết. Vinh không thể trở về nhưng ở nhà, vợ chồng ông Tự vẫn giữ lại nguyên vẹn mọi di vật của con trai như khi còn sống, như một sự chờ đợi dù trong vô vọng - vẫn mong chàng trai ở tuổi 19 thanh xuân sẽ có ngày trở về đoàn tụ với gia đình. "Dù vợ tôi sức khoẻ không tốt nhưng năm nào, cứ đến ngày giỗ của Vinh dịp cuối năm, cả nhà tôi, người thân và đồng đội của Vinh lại hành hương vào mảnh đất biên giới - nơi Vinh nằm lại. Nơi ấy, bây giờ vẫn là đường biên giới hoang vu lắm, xung quanh chỉ có rừng xanh yên ả. Cả gia đình tôi có mặt ở đó thắp cho Vinh và đồng đội của con nén hương, coi như ngày đoàn tụ với anh linh của con ở góc rừng biên giới…".
Ông Nguyễn Văn Tự cho biết thêm, vào mỗi dịp 27/7, cả gia đình ông lại có một lễ tri ân xum họp. Ông Tự bảo: "Nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ A Sào, cả nhà tôi có 5 Liệt sĩ. Gia đình tôi còn có 2 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng là cụ Nguyễn Thị Là (bà ngoại ông Tự - PV) và bà Nguyễn Thị Vóc (bác dâu ông Tự - PV). Ngoài ra, ông nội của tôi cũng là thương binh chống Mỹ hạng 1/4. Đến giờ, gia đình tôi đã đưa được 1 người cậu và 1 người anh về Nghĩa trang quê nhà, còn 1 người cậu và 1 người anh hy sinh ở chiến trường miền Nam hiện vẫn chưa tìm được hài cốt".
Tháng 7 - mùa tri ân, chúng tôi được tự tay thắp nén hương tri ân các Liệt sĩ. Dẫu ở thời chiến hay thời bình, khi những ánh nến lung linh được thắp lên trong tiếng nhạc trầm hồn tử sĩ để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì sự bình yên của cuộc sống hôm nay, trong tôi vẫn là cảm xúc trĩu lòng khi nghe câu chuyện, khi chứng kiến sự kiên cường vượt qua nỗi đau mất chồng, mất cha, mất con không gì bù đắp của các gia đình Liệt sĩ.
Lòng tôi lại như dịu đi khi nhận được điện thoại của vợ của Liệt sĩ Lại Huy Công - chị Tô Thị Vân khoe: "Chị ơi, em đang bận đi tập luyện chương trình văn nghệ của địa phương cho sự kiện sắp tới. Em gửi chị 1 clip nhỏ, chị nghe em hát thử nhé. Mấy năm nay dù ở trường hay ở xã nhà, em đều là hát chính của đội văn nghệ đấy. Khi lên sân khấu, em lại biểu diễn hết mình. Nếu có dịp, chị nhớ ghé về chia vui với mẹ con em nhé!".
Tôi vẫn nhớ, trong ánh nắng gay gắt cuối chiều tháng 7, bóng dáng người cha của Liệt sĩ Nguyễn Thế Vinh đổ dài, trầm mặc, lặng lẽ giữa những hàng bia mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã A Sào. Là cán bộ lãnh đạo xã, là người chồng, người cha, ông Nguyễn Văn Tự mỗi ngày về nhà luôn tỏ ra bình thản, cứng rắn để làm chỗ dựa cho vợ con, để mọi nỗi mất mát đều nhẹ nhàng hơn. Nhưng sau giờ làm cuối chiều, ông thường lặng lẽ vào Nghĩa trang Liệt sĩ để thêm 1 lần đọc hàng chữ khắc tên con trai trên bia đá, để cất giấu thật kỹ vào lòng nỗi nhớ thương con hơn 10 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Tự cho biết, gia đình ông có 5 liệt sĩ
"Tôi còn may mắn là mỗi khi nhớ con vẫn có thể thăm con ở đây, còn nhiều gia đình Liệt sĩ khác đến tận bây giờ, hơn nửa thế kỷ trôi qua, vẫn chưa tìm được phần mộ Liệt sĩ, nỗi đau ấy không biết bao giờ nguôi…" - người cha Liệt sĩ với mái tóc hoa râm buông nụ cười nhẹ. Bên cạnh trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, ông vẫn gắng gượng mỗi ngày với niềm tự hào rằng đã cùng gia đình kiên cường vượt qua tất cả, đã nối tiếp truyền thống Anh hùng của gia đình.