Hễ cứ đến nhà con dâu về là mẹ chồng lên cơn nguy kịch

12/09/2017 - 20:10
Đến xem nhà mới của con trai và con dâu, mẹ chồng không tỏ ra hào hứng, bà chê nhiều hơn khen. Sau bận đó, cứ lần nào từ nhà con về bà cũng lên cơn nguy kịch rồi trở lại bình thường mà bác sĩ chẳng thể tìm ra nguyên nhân.

Vợ chồng cô sau nhiều năm dành dụm đã mua được một căn nhà đẹp. Đúng thời gian nhận nhà, chồng cô nhận được lời mời đi dạy tại Hoa Kỳ trong 1 năm nên mọi công việc liên quan đến giấy tờ nhà cửa đều do cô đảm nhận. Hôm nhận nhà, cô mời bố mẹ chồng đến. Bố chồng đi khắp các buồng, tấm tắc khen. Mẹ chồng thì không thể hiện thái độ hưởng ứng nhưng cô cứ lờ đi. Trong cả quá trình tích cóp để mua được ngôi nhà này, cô đã nhiều lần phải nghe ý kiến “bàn lùi” của mẹ chồng. Bà lo vợ chồng cô “vung tay quá trán”, không kiếm đủ tiền giả nợ. Bà lo vì cái nhà mà chồng cô phải hùng hục kiếm tiền, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mời bố mẹ chồng đến nhận nhà - sự kiện vui mừng của gia đình - nhưng cô không chắc là mẹ chồng sẽ cảm thấy vui thật sự. Cảm nhận của cô không xa thực tế là mấy. Mẹ chồng đi các phòng, chỗ nào bà cũng nhìn ra những điểm chưa vừa ý. Cô xoa dịu: "Mẹ ơi, chìa khóa trao tay thì chấp nhận thôi. Chủ đầu tư này là còn tử tế đấy". Tuy mẹ chồng chê nhiều nhưng nhìn bà, cô biết là bà cũng ngầm đánh giá cao tổ ấm mới của vợ chồng cô.

3_1.jpgẢnh minh họa.

 Hôm ấy về, mẹ chồng cô bị lên một cơn cao huyết áp khá nguy kịch. Cả nhà cuống quít gọi xe cấp cứu. Kỳ lạ, vào viện thì huyết áp của bà trở lại bình thường, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân gây nên cơn đột biến. Mọi ngày, huyết áp và nhịp tim của bà rất tốt. Bà vẫn tự hào các chỉ số sức khỏe chẳng thua gì thanh niên.

Đến hôm nhập trạch, cô lại mời bố mẹ chồng cùng tham gia. Mẹ chồng đã khỏe lại, tích cực giúp cô những thủ tục liên quan. Khi mọi việc đã xong, bà ngồi trên sofa kê giữa nhà, chép miệng bảo: "Tội nghiệp con tôi, nhà đẹp thế này mà chưa được về mà hưởng". Cô nói: "Chính ra nhà con số sướng. Anh ấy đi đúng dịp này, bao nhiêu việc dồn cả vào con". Mẹ chồng nghe vậy, lườm cô một cái. Đã quen với tính mẹ chồng, cô chỉ cười. Đêm hôm ấy về, mẹ chồng cô lại lên một cơn nguy kịch. Và cũng như lần trước, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

1_642722.jpg
Mẹ chồng luôn khó chịu mỗi khi sang thăm nhà mới của vợ chồng con trai (Ảnh minh họa)


Nghe bố chồng nói rằng cả 2 lần bà đều tỏ ra buồn bực ngay sau khi rời nhà cô, bà chê ngôi nhà suốt cả chuyến taxi trở về, cô nghĩ rằng mẹ chồng đang có một vấn đề khúc mắc về tâm lý. Nhưng cụ thể là gì thì cô không lý giải được. Vì thế, cô quyết định gọi điện nhờ Thanh Tâm tư vấn.

Sau khi nghe câu chuyện của cô, Thanh Tâm cho rằng có thể mẹ chồng cô đã bị một hội chứng tâm lý đặc biệt. Đó là cảm giác đố kị khi người ta cảm thấy đối tượng mà mình đang ngầm cạnh tranh gặp may mắn/hạnh phúc/sung sướng. Sự đố kị sẽ khiến nạn nhân cảm thấy các triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, huyết áp tăng vọt. Y học gọi đó là một dạng tâm bệnh. Trong trường hợp này, cạnh tranh ngầm chính là mối quan hệ tế nhị, phức tạp mẹ chồng - nàng dâu, tâm lý của mẹ chồng… ghen với cảnh “nhà cao cửa rộng” của con dâu cũng có thể tính đến. Thêm nữa, trong bà còn có nỗi xót con trai chưa được hưởng thụ sự sung sướng ấy. Những cảm xúc đó chính bà có khi cũng không ý thức được.

Cô bảo cũng đã lờ mờ cảm thấy sự “không hài lòng” của mẹ chồng kể từ khi vợ chồng cô bắt đầu có ý định mua nhà mới. Nhưng chỉ khi nghe Thanh Tâm tư vấn thì mọi chuyện mới trở nên sáng rõ.

Thanh Tâm khuyên cô, để giúp mẹ chồng hạn chế lặp lại những cú sốc tâm lý như vậy, cô nên khéo léo kéo bà vào làm một thành viên trong ngôi nhà của riêng vợ chồng cô. Chẳng hạn như hỏi ý kiến của bà khi định mua sắm đồ đạc, trang trí thêm nội thất. Lúc đó, nhất định bà sẽ có biến chuyển về tâm lý, bởi đã chuyển từ vị trí “cạnh tranh ngầm” sang “chung một chiến hào”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm