Hé lộ giá trị 2 chiếc thuyền cổ vừa được khai quật tại Bắc Ninh

Quang Ngọc
03/05/2025 - 20:05
Hé lộ giá trị 2 chiếc thuyền cổ vừa được khai quật tại Bắc Ninh

Nơi phát hiện 2 chiếc thuyền cổ tại Bắc Ninh

Kết quả khai quật khẩn cấp 2 con thuyền gỗ cổ tại phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã mang lại một phát hiện khảo cổ học quan trọng, làm sáng tỏ nhiều khía cạnh chưa từng biết đến trong lịch sử kỹ thuật đóng tàu, giao thương và văn hóa sông nước của cư dân vùng châu thổ sông Hồng thời tiền - sơ sử.

Giá trị kỹ thuật

2 con thuyền cổ được phát hiện nằm gần nhau trong lớp trầm tích ngập nước. Thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý và thời Trần) và không thể muộn hơn thế kỷ 15. Cả 2 đều sử dụng cấu trúc "sống kép" (double keel) - tức 2 thanh sống tàu song song chạy dọc theo chiều dài đáy thuyền z điều chưa từng được ghi nhận trong các mẫu tàu cổ đã biết tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Điểm nổi bật nhất nằm ở phương pháp ghép mộng theo trục dọc giữa các cấu kiện sống - sử dụng kỹ thuật mộng - lỗ mộng xuyên sâu vào thân gỗ, kết hợp với nêm chèn và chốt khóa để tạo liên kết chắc chắn, linh hoạt và chống vặn xoắn. Đây là một sáng tạo vượt bậc trong bối cảnh công nghệ tiền cơ khí, cho thấy tư duy cơ khí và sự thích ứng cao với điều kiện thủy văn của vùng đồng bằng.

Ngoài ra, việc gia cố thân thuyền bằng các tấm ván đáy cắt phẳng, chèn kín các khe hở bằng sợi thực vật và lớp keo nhựa tự nhiên, chứng minh trình độ chế tác vật liệu và hiểu biết thủy động lực học của người xưa.

Giá trị lịch sử

Phát hiện 2 con thuyền nằm cùng lớp địa tầng, cùng kiểu kết cấu nhưng không giống với bất kỳ kiểu tàu thuyền Đông Á hay Nam Á nào đã biết, gợi mở khả năng về một hệ thống kỹ thuật hàng hải bản địa, phi Hán, phi Ấn, hình thành và phát triển độc lập trong môi trường cư dân cổ vùng trung du - đồng bằng Bắc Bộ.

Đây có thể là sản phẩm của một truyền thống kỹ nghệ địa phương - một dòng kỹ thuật thủ công từng tồn tại nhưng thất truyền, chưa từng được ghi chép trong văn bản Hán cổ. Nếu giả thuyết này được kiểm chứng, 2 con thuyền có thể là bằng chứng vật chất sớm nhất của kỹ thuật đóng thuyền bản địa Đông Nam Á lục địa, có thể so sánh với các mẫu tàu cổ ở Ai Cập, Địa Trung Hải, hoặc thuyền Belitung của Indonesia nhưng với cấu trúc và giải pháp hoàn toàn riêng biệt.

Hé lộ giá trị 2 chiếc thuyền cổ vừa được khai quật tại Bắc Ninh- Ảnh 1.

Thuyền cổ được phát hiện ở Bắc Ninh có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý và thời Trần)

Giá trị văn hóa - xã hội

Từ góc độ văn hóa - xã hội, 2 con thuyền hé lộ nhiều điều về đời sống và hoạt động của cư dân sông nước vùng châu thổ thời cổ. Với chiều dài thân lớn, cấu trúc chắc chắn và thiết kế vận chuyển ổn định, những con thuyền này không phải phương tiện đơn thuần mà có thể là tàu vận tải, nghi lễ hoặc dùng trong giao thương. Chúng phản ánh tính tổ chức cao trong sản xuất, khả năng khai thác và làm chủ môi trường sông ngòi dày đặc ở vùng Bắc Bộ cổ.

Kết hợp với các di tích cư trú gần đó, 2 con thuyền có thể nằm trong một quần thể văn hóa - kinh tế sông nước, nơi cư dân sinh sống gắn bó mật thiết với giao thông thủy. Nếu được nghiên cứu sâu hơn, chúng có thể giúp khôi phục bức tranh về một nền văn minh sông nước bản địa, có tính hệ thống và liên kết vùng mạnh mẽ hơn nhận thức hiện nay.

Tiềm năng di sản và nghiên cứu liên ngành

Việc khai quật kịp thời và bước đầu bảo tồn 2 con thuyền đang mở ra nhiều hướng đi liên ngành cho nghiên cứu cổ sinh, địa tầng, vật liệu học, nhân học và lịch sử hàng hải. Đồng thời, mẫu vật này cũng là vật chứng tiềm năng cho việc xây dựng hồ sơ di sản cấp quốc gia, hướng đến bảo tồn tại chỗ hoặc tái dựng phục vụ giáo dục, du lịch di sản.

Tuy mới chỉ ở giai đoạn khai quật và khảo sát sơ bộ, 2 con thuyền cổ tại Bắc Ninh đã bước đầu hé lộ những giá trị đặc biệt về kỹ thuật, lịch sử và văn hóa - có khả năng định hình lại hiểu biết hiện nay về kỹ thuật đóng tàu và đời sống cư dân sông nước cổ Việt Nam. Đây là phát hiện không chỉ có ý nghĩa với khảo cổ học trong nước, mà còn là một đóng góp độc đáo cho lịch sử kỹ thuật hàng hải thế giới, xứng đáng được nghiên cứu sâu rộng và bảo tồn nghiêm túc trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm