Hệ lụy xã hội từ việc rủ nhau “bùng nợ” vay tiền qua ứng dụng - Bài 1: Quỵt nợ theo nhóm, người thân chịu trận

Hoàng Sa
30/10/2023 - 16:17
Hệ lụy xã hội từ việc rủ nhau “bùng nợ” vay tiền qua ứng dụng - Bài 1: Quỵt nợ theo nhóm, người thân chịu trận

Một nhóm trên mạng xã hội rủ nhau “bùng nợ” vay tiền qua app và chia sẻ cách đối phó

Từng có thời gian tình trạng vay tiền qua ứng dụng trực tuyến nở rộ thì gần đây, trên mạng xã hội lại bùng lên hiện tượng “bùng nợ vay tiền qua ứng dụng”. Cả 2 hiện tượng này đều kéo theo những hệ lụy gây nhức nhối trong xã hội.
Lập hội nhóm dạy nhau cách "bùng nợ"

Chỉ cần truy cập vào mạng xã hội tìm kiếm từ "bùng nợ vay app" sẽ cho ra hàng loạt hội, nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiền qua ứng dụng (app), hoặc bàn cách đối phó với các chủ nợ. Tại fanpage "Hội bùng app vay tiền và cách đối phó", có 108 nghìn thành viên, mỗi ngày có tới hàng chục bài đăng lên nhóm, với các chủ đề xoay quanh câu chuyện vay và bùng nợ, cả cách "làm sạch" hồ sơ để được vay tiếp.

Đa phần các "nickname" tham gia các hội nhóm này là "nick ảo" nhưng câu chuyện họ bàn tán trao đổi lại là thật. Đó là làm thế nào để vay được tiền qua app. Sau đó là làm thế nào để bùng nợ, để đối phó với các kiểu đòi nợ từ phía app cho vay tiền.

"Quýt làm, cam chịu"

Việc những cá nhân đi vay tiền rồi bùng nợ đã gây ra nhiều hệ lụy cho những người thân, bạn bè của họ. Bởi mỗi khi làm thủ tục vay tiền, phía app cho vay đều yêu cầu lấy số điện thoại người thân của người vay vào hồ sơ. Thậm chí, app lấy cả quyền truy cập danh bạ điện thoại của họ. Đến khi người vay bùng nợ, cắt liên lạc thì nhóm đòi nợ của phía app cho vay sẽ liên hệ vào các số điện thoại của những người thân của người bùng nợ.

Chị Đào Lan Hương, giám đốc một doanh nghiệp ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ: "Một người em của nhân viên công ty tôi đi vay tiền của app rồi nó bùng nợ. Phía đòi nợ bên app cho vay liên tục gọi điện khủng bố nhân viên công ty tôi rồi đăng thông tin hình ảnh của cô ấy lên. 

Không đạt được mục đích, bên đòi nợ tiếp tục khủng bố vào số điện thoại của tôi, ép tôi sa thải cô nhân viên kia. Khi tôi không đáp ứng những yêu cầu vô lý đó thì họ nhắn tin chửi bới bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa".

Anh Nguyễn Đăng Nam (ở Long Biên, Hà Nội) bức xúc chia sẻ: "Cách đây khoảng 1 năm, một nhân viên lái xe của công ty tôi có đi vay tiền qua app. Sau đó, cậu ta nghỉ việc. Mấy tháng sau, có nhóm người đòi nợ gọi cho tôi và yêu cầu trả nợ thay cậu lái xe, vì trong hồ sơ vay của cậu ấy có số điện thoại của tôi. Tôi từ chối vì mình không liên quan gì. Thế nhưng họ liên tục gọi điện thoại, nhắn tin khủng bố, khiến tôi phải tắt điện thoại, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc làm ăn".

Câu chuyện vô cớ bị gọi điện thoại đòi nợ, khủng bố đòi nợ diễn ra ở nhiều trường hợp khác. Nhiều người không liên quan, thậm chí không hề biết đến những giao dịch vay nợ qua app nhưng họ vẫn bị các đối tượng đòi nợ tìm đến với những lý do hết sức vô lý, vì cho rằng "có liên quan tới người vay và đã bùng nợ vay".

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều nhóm đối tượng đòi nợ theo kiểu khủng bố, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc xử lý quyết liệt hơn nữa từ phía cơ quan chức năng.

Từ đầu năm 2023 tới nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; triệt xóa 27 ứng dụng cho vay "tín dụng đen". Một số ứng dụng bị triệt xóa như: Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay… Tuy nhiên, các hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng của các băng nhóm vẫn tiếp tục phát triển. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi một số khách bùng nợ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ sau khi vay.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm