Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm ngày càng được chú trọng đầu tư

Lan Anh
16/12/2024 - 16:45
Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm ngày càng được chú trọng đầu tư

Kiểm nghiệm nhằm xác định sản phẩm thực phẩm an toàn cho người sử dụng - Ảnh minh họa

Kiểm nghiệm thực phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm thực phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu. Trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư, giúp cho hoạt động kiểm nghiệm ngày càng nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Kiểm nghiệm thực phẩm là hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm.

Theo quy định, sản phẩm thực phẩm phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Do đó kiểm nghiệm thực phẩm là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh và sản xuất thực phẩm. Việc này nhằm xác định sản phẩm thực phẩm an toàn cho người sử dụng. Ví dụ, thực phẩm không chứa các vi sinh vật gây bệnh, hoá chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất cấm; phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng trong thực phẩm…

Để tiến hành kiểm nghiệm, tổ chức, cá nhân có thể tự mang mẫu thực phẩm đến các cơ sở được nhà nước cho phép. Việc kiểm nghiệm có 3 bước cơ bản gồm: xác định các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm tương ứng với sản phẩm và quy chuẩn; lấy mẫu thực phẩm đem đi kiểm nghiệm tại trung tâm kiểm nghiệm; nhận kết quả là giấy chứng nhận kiểm nghiệm. Tùy theo từng chỉ tiêu kiểm nghiệm mà thời gian kiểm nghiệm sẽ nhanh hay chậm, thường dao động từ 1 -7 ngày.

Tại Hội nghị khoa học quốc tế về Kiểm nghiệm thực phẩm được tổ chức mới đây, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, khoa học kiểm nghiệm thực phẩm là một chuyên ngành đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả từ phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc tiên tiến và hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của ngành kiểm nghiệm thực phẩm.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tế các sự cố an toàn thực phẩm gần đây cho thấy, vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Do đó, ngoài việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, chuyên sâu, các phòng kiểm nghiệm cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm