pnvnonline@phunuvietnam.vn
Helen Keller: Ánh sáng từ trong bóng tối
Chân dung Helen Keller năm 1904
Sau khi Helen bị mù và điếc, bố mẹ bà đã đi khắp nơi có thể để tìm kiếm sự trợ giúp. Khi tới trường Perkins dành cho người mù ở bang Massachusetts , bà đã được gặp cô Anne Sullivan và bắt đầu một tình bạn kéo dài suốt 49 năm.
Bản thân cô giáo Sullivan cũng gần như mất hết thị lực khi mới lên 5 tuổi sau khi mắc bệnh đau mắt hột. Dù không hề có kinh nghiệm trong việc dạy người mù, song cô Sullivan đã dành hết tâm huyết của mình để dạy dỗ Helen. Bà Helen Keller đã gọi ngày 5/3/1887, ngày đầu tiên cô Sullivan đến nhà mình, là "sinh nhật của tâm hồn tôi".
Helen trở thành bạn với nhiều người nổi tiếng như Mark Twain (nhà văn Mỹ), Charlie Chaplin (diễn viên), Eleanor Roosevelt (Phu nhân Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt), Thomas Edison (nhà phát minh), Tom Ford (người sáng lập hãng xe Ford). Một trong những tình bạn nổi tiếng nhất của bà là với Alexander Graham Bell - người phát minh ra điện thoại. Helen và Bell gặp nhau vào 1886, khi cha mẹ bà đang tìm sự giúp đỡ từ những chuyên gia ở Washington D.C. Hai người kết thân rất nhanh và Bell đã thành lập quỹ ủy thác tài trợ cho việc đi học của bà tại trường Cao đẳng Radcliffe.
Trong suốt cuộc đời mình, Helen Keller đã đi đến 35 quốc gia trên thế giới để diễn thuyết và vận động quyền cho những người bị mất thị lực. Trong 2 cuộc Thế chiến, bà đã tới hơn 70 bệnh viện để an ủi và động viên các binh sĩ. Helen Keller được nhận Huân chương Tự do Tổng thống, một trong hai danh dự dân sự cao nhất của Hoa Kỳ, vào ngày 14/9/1964. Bà tham gia Tổ chức Người mù Hoa Kỳ (AFB) năm 1924 và hoạt động đến khi bà qua đời, ngày 1/6/1968.
Tuy cuộc sống nhiều khó khăn nhưng Helen luôn lạc quan và yêu đời. Năm 1999, tạp chí TIME đã đưa bà vào "Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20" . Bà đã trở thành biểu tượng của nghị lực và là nguồn cảm hứng cho nhiều mảnh đời khó khăn khác.