pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tâm nguyện chăm sóc phần mộ liệt sỹ của người quản trang
Cổng chính của Nghĩa trang Liệt sỹ Đông Tác
Mỗi ngày, từ 7h30 sáng, công việc chăm sóc các phần mộ liệt sỹ và cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ Đông Tác, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên của Huỳnh Văn Hùng bắt đầu. Và tới 11h30 là Hùng nghỉ tay nấu cơm trưa ăn uống để 13h30 lại tiếp tục tới khi cái nắng gay gắt của miền Trung dịu dần xuống.
Có những khi, công việc của Hùng bị ngắt ngang vì có khách tới thăm mộ liệt sỹ. Cậu dẫn khách tới mộ người thân của họ, hoặc dẫn đi các khu mộ khác trong nghĩa trang để khách thắp nhang, tưởng nhớ các liệt sỹ.
"Những ngôi mộ liệt sỹ có người thân, thì khách thường có lời nhắn nhờ tụi em chăm sóc. Còn các ngôi mộ liệt sỹ vô danh thì tụi em vẫn luôn chủ động thắp nhang, nhổ cỏ, thắp nến", Hùng kể về công việc làm quản trang của cậu.
Huỳnh Văn Hùng, 35 tuổi, đã có thâm niên làm quản trang tại nghĩa trang liệt sỹ Đông Tác 10 năm nay. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, Hùng cưới vợ, hàng ngày phụ giúp bố vợ, vốn là Tổ trưởng Tổ quản trang, chăm sóc các phần mộ liệt sỹ. Cậu cho rằng đây là một công việc ý nghĩa nên đã dốc sức, dốc lòng làm việc vì cái tâm.
Hùng kể: "Em muốn dành thời gian, công sức của mình để chăm sóc phần mộ cho các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc".
Nghĩa trang Đông Tác có 7.004 phần mộ liệt sỹ, trong đó hơn 6.000 mộ là có hài cốt, còn lại là mộ gió; 35 mộ là các cấp chỉ huy và 5 mộ tập thể. Tại đây, là nơi an nghỉ của nhiều liệt sỹ quê tại Hải Dương, Thanh Hóa và Nghệ An. "Các chiến sỹ hành quân tới Phú Yên thì hy sinh, và được quy tập về đây", Hùng cho biết.
Tổng diện tích của nghĩa trang Đông Tác là hơn 4.000 m2. Cho tới thời điểm này, vẫn có các liệt sỹ được quy tập về, mỗi năm trung bình là hơn 10 mộ và chỉ có 1-2 mộ liệt sỹ là biết rõ thân nhân nên được đưa về quê. Các mộ vô danh khác được quy tập về đây sau khi người dân phát hiện ra, trong quá trình xây cất, khoan đào các công trình xây dựng thấy hài cốt kèm các quân trang người lính.
"Hàng năm, cứ gần tới Ngày thương binh liệt sỹ 27/7, các thân nhân liệt sỹ ở quê xa từ miền Bắc đi vào để thắp nhang rất đông, nên những ngày này, tụi em tất bật cho việc chuẩn bị, tiếp khách và nhiều công việc lễ lạt khác. Các ngày lễ khác trong năm như ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12; Ngày Lễ độc lập 2/9; ngày Tết dương lịch và Tết âm lịch, cũng có rất nhiều các cơ quan, đoàn thể và người dân tới thăm viếng", Hùng cho biết.
Ban quản trang của nghĩa trang liệt sỹ Đông Tác có 3 người cùng nhau làm việc. Năm 2023, việc tu sửa nghĩa trang được hoàn thiện: các cây xanh được trồng thêm, lối đi được ốp lát đá, sơn sửa tường rào, cổng chính được làm mới, bãi xe mới, nhà quản trang mới, và tượng đài được tu sửa.
"Nhiều chùa và người theo đạo Phật mang đồ tới cúng chay, còn Ban quản trang thì chuẩn bị đồ mặn để làm lễ cúng các liệt sỹ. Ai cũng thể hiện sự thành kính, trang nghiêm và tri ân đến các liệt sỹ", Huỳnh Văn Hùng cho biết.
Hùng nói, cậu sẽ gắn bó với công việc này lâu dài để thể hiện cái tâm và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ.