pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hết Tết, nhiều phụ nữ ở Tây Bắc "hạ sơn" mưu sinh
Ảnh minh họa
Sau những ngày trở về sum họp đoàn viên ăn Tết cùng gia đình ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường, Lai Châu), chị Lò Thị Xinh lại cùng bạn bè khăn gói lên đường trở về khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) để bắt đầu công việc quen thuộc trong nhà xưởng may mặc.
Chị Xinh chia sẻ: "Chúng tôi hẹn nhau lên đường về Hà Nội làm việc từ ngày mùng 5 Tết. Lúc về quê ăn Tết thì cả nhóm đi xe máy về, nên lúc đi thì cũng lại đi xe máy cùng nhau. Do đường khá xa nên chúng tôi xuống từ ngày mùng 5 để kịp thời gian đi gặp mặt đầu xuân của công ty vào ngày mùng 6”.
Chị Vi Thị Ngần, bạn cùng quê với chị Xinh, chia sẻ: "Công ty tôi khai xuân vào ngày mùng 8, nhưng vì đi cùng đoàn với nhau, nên tôi cũng xuống từ ngày mùng 5. Những ai chưa phải làm việc thì xuống Hà Nội lại hẹn nhau đi chơi, thăm thú phố phường, hoặc đi xem hội ở các khu vực lân cận”.
Tại khu nhà trọ của công nhân ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, không khí trong những ngày đầu xuân cũng rộn ràng, tưng bừng. Khi hàng loạt công nhân ở các tỉnh khác nhau về làm việc, họ tổ chức gặp mặt đầu năm vui vẻ trước khi cùng nhau bắt tay vào công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở quê nhà.
Anh Nguyễn Văn Bảo, chủ một khu nhà trọ ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên, cho biết: "Năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc đều tổ chức gặp mặt, chúc tụng nhau khá tưng bừng. Những người kinh doanh nhà trọ cũng tạo mọi điều kiện để họ được vui vẻ thoải mái, nhưng năm nay chúng tôi cũng luôn phải nhắc nhở các bạn trẻ hạn chế rượu bia để tránh vi phạm nồng độ cồn”.
Chị Trương Thị Thi, người dân tộc Dao, ở xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên, Lào Cai), chia sẻ: "Sau Tết trở lại làm việc, mọi người gặp nhau rất vui, cùng tổ chức buổi khai xuân ở nhà trọ để chúc nhau sang năm mới mạnh khỏe, nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống. Ai cũng mong công việc năm nay được thuận lợi, được tăng ca để có thêm thu nhập”.
Điều đáng nói, người dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc trước kia thường có phong tục ăn Tết kéo dài, sau đó mới bắt tay vào công việc lao động sản xuất. Nhưng ngày nay, trước xu hướng hội nhập và phát triển chung, những lao động trẻ đã bỏ đi lối tư duy cũ, rời quê nhà đi làm việc theo đúng lịch trình tại các cơ sở nhà máy, xí nghiệp một cách nghiêm túc.
Bà Hoàng Thị Khuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cho biết: "Trước đây người dân tộc vùng cao thường ăn Tết kéo dài tới tận Rằm tháng Giêng, nhưng từ khi nhiều người lao động đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thì họ đã thay đổi cách nghĩ, tuân thủ các quy định của nơi làm việc để đi làm từ ngày mùng 5, mùng 6 Tết. Đây cũng là những thay đổi tiến bộ cho rất nhiều người lao động vùng cao, để tiếp cận với xu hướng phát triển, góp phần phát triển kinh tế của gia đình và địa phương”.