Hiến đất làm cầu, mong con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn

Phương Lâm
14/10/2022 - 16:03
Hiến đất làm cầu, mong con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn

Người dân Lào Cai chăm sóc hoa hai bên đường thôn

Không so đo suy tính thiệt hơn, vì lợi ích chung, nhiều người phụ nữ đã đồng tình hiến đất để những cây cầu khang trang được xây lên. Những cây cầu mới không chỉ mang đến diện mạo khởi sắc cho nhưng thôn bản vùng sâu, vùng xa mà còn mang đến kỳ vọng về sự phát triển kinh tế, xã hội lâu dài.

Phụ nữ cao tuổi tiên phong

Bà Lưu Thị Hồi - thôn Pác Mạc, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, Lào Cai - đã hiến đất cho thôn để xây dựng cầu qua suối, mở rộng đường từ 2 mét lên 6 mét. Bà Hồi cho biết, khi chính quyền thôn vào vận động về việc xây cầu, mở rộng đường giao thông, bà Hồi đã đồng ý ngay. Bà còn vận động con cháu hiến đất để xây dựng cầu đường. Bà chia sẻ, mình đã già, chưa biết sống được bao lâu, bà muốn con cháu đỡ vất vả, an toàn khi mùa mưa lũ nên bà không ngần ngại hiến đất.

Khi thấy bà Hồi hiến đất, nhiều người cũng làm theo. Mọi người nhìn gương phụ nữ lớn tuổi trong thôn để cùng hiến đất xây dựng cầu đường.

Thôn Ải Nam, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cũng đang thay đổi hàng ngày. Năm 2022, đường điện dài 2,5km của thôn Ải Nam mới được xây dựng và đưa vào sử dụng có tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Người dân mỗi người đóng góp 300 nghìn đồng, nhiều cán bộ trong thôn, đoàn, hội phụ nữ… người đóng góp ủng hộ 500 nghìn đồng, người ủng hộ 1 triệu đồng.

Chị Tải Thị Phương – Thôn Ải Nam, thị trấn nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai chia sẻ, chị và bà con trong thôn tích cực tham gia các công việc xây dựng thôn bản. Hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công để bộ mặt thôn bản ngày càng khác hơn.

Tại thôn Dền Thàng - một thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai, bà con cũng tích cực tham gia đóng góp, xây dựng thôn bản. Đến nay thôn đã có đường bê tông tới tận xã. Đời sống của 54 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao.

Nhà văn hoá thôn được xây dựng khang trang, đường bê tông liên xóm, liên khu cũng được xây dựng trong 2 năm gần đây. Nguồn kinh phí xây dựng chủ yếu từ sự chung tay của người dân. Người dân đóng góp hơn 120 triệu tiền mặt, đóng góp ngày công lao động để xây dựng.

Chị Lý Tả Mẩy, thôn Dền Thàng, xã Trịnh Tường chia sẻ, mấy năm trước đi lại của người dân trong thôn vô cùng khó khăn, đường đất trời mưa gió có lúc không thể đi lại được. Khi nhà nước có chương trình xây dựng Nông thôn mới, trưởng thôn và bí thư đến trực tiếp nhà người dân vận động để bà con hiến đất làm đường. Gia đình chị Mẩy cũng hăng hái tham gia chương trình. Chị Mẩy đóng tiền rồi góp công sức. Nhờ đó, đời sống trong thôn cũng khang trang hơn. Đi lại thuận tiện hơn, trẻ đến trường cũng vui vẻ, không còn cảnh đường mưa trơn trượt.

Theo thống kê của tỉnh Lào Cai, đến đầu tháng 10/2022 người dân trong tỉnh đã đóng góp hơn 5 tỷ đồng, khoảng 7000 mét vuông đất, hàng trăm nghìn ngày công lao động cùng nhiều hiện vật để xây dựng Nông thôn mới.

Hiến đất làm cầu, mong con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn - Ảnh 1.

Đông đảo người dân tham gia mở rộng đường trục thôn Cáng 1, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai

Kỳ vọng phát triển kinh tế

Đặc biệt, những cây cầu, con đường mới không chỉ mang đến diện mạo khởi sắc cho nhưng thôn bản vùng sâu, vùng xa mà còn mang đến kỳ vọng về sự phát triển kinh tế, xã hội lâu dài.

Tại thôn Ải Nam, từ khi có chương trình Nông thôn mới, cán bộ thôn đã hướng dẫn bà con chuyển mình làm kinh tế. Chị Tải Thị Phương – Thôn Ải Nam, thị trấn nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai chia sẻ, nhờ đó chương trình Nông thôn mới đổi thay bộ mặt thôn bản, cán bộ thôn đã hướng dẫn bà con chuyển mình làm kinh tế. Gia đình chị Phương đã cải tạo đất trồng ngô, khoai trồng chè đặc sản. Từ trồng chè, gia đình chị Phương đã tăng thu nhập hơn trước.  Cuộc sống hàng ngày của chị cũng nhàn hơn trước, làm ngay tại nhà không cần phải đi xa.

Trong thôn có nhiều ngôi nhà mới mọc lên, người dân thực hiện nếp sống văn hoá nông thôn mới, nhiều người dễ dàng tìm việc làm ngay tại địa phương. Thu nhập của bà con ở đây hiện nay khoảng 35 triệu đồng/năm.

Thay vì làm nông nghiệp tự cung tự cấp như trước, nhiều gia đình đã chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, trồng rừng.

Gia đình bà Tẩn Tả Mẩy - thôn Diền Thàng, xã Trịnh Tường - ngày trước chỉ trồng lúa địa phương nhưng đến nay được hướng dẫn của trưởng thôn, bà trồng giống lúa sén cù vừa để bán, để ăn nâng cao kinh tế cho gia đình. Ngoài trồng lúa sén cù, gia đình bà cũng trồng thêm rừng, nuôi ngựa để tăng thêm thu nhập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm