Hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao Lào Cai

PV
19/11/2022 - 12:01
Hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao Lào Cai

Người dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai) làm đường giao thông

Để người dân tự nguyện hiến đất làm đường, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu được chủ trương ý nghĩa của việc hiến đất. Trong đó, người dân được hưởng lợi gì, Nhà nước đầu tư thế nào để thuận lợi cho nhân dân.

Hiến "tấc vàng" để làm đường giao thông

Gia Phú là một xã thuần nông của huyện Bảo Thắng (Lào Cai), chiếm đến 60% số hộ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Ở đây, đất được ví như "vàng", là "cần câu" để người dân sinh sống, xóa nghèo, làm giàu. Thế nhưng, khi Đảng ủy, UBND xã có chủ trương mở rộng các tuyến đường liên thôn từ 4m lên 7m, người dân trong xã, mặc dù nhiều hộ hoàn cảnh còn khó khăn, song vẫn sẵn lòng hiến đất.

Hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao - Ảnh 1.

Những con đường được mở rộng từ phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Bảo Thắng

Gia đình bà Phạm Thị Mây (xã Gia Phú), là một trong những hộ đã hiến đất đồi rừng, vườn tạp để làm đường giao thông của thôn. Bà cho biết, thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào mấy ha đồi rừng trồng quế và cấy lúa, ngô. Khi nghe chính quyền địa phương vận động hiến đất để mở rộng đường, mặc dù lúc đầu còn băn khoăn, tiếc nuối, bởi đây là mảnh đất của cha ông để lại. Nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, nhận thấy lợi ích thiết thực khi có con đường mới rộng mở sẽ tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng, bà cũng đã bàn với gia đình hiến hơn 800m2 đất. Ngoài ra, còn có hàng trăm cây quế đã 5 năm tuổi trên diện tích đất hiến để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nhằm mở rộng tuyến đường cũ từ 3m lên 7m. "Có con đường sẽ rất thuận lợi cho giao thông, phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, gia đình mình cũng sẽ hưởng lợi nên chúng tôi sẵn sàng hiến đất", bà Mây chia sẻ.

Hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao - Ảnh 2.

Lễ phát động phong trào hiến đất làm đường giao thông ở Bảo Thắng

Ông Đỗ công Đĩnh, Trưởng thôn Chính Tiến (xã Gia Phú) là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường. Để "lấy đà" cho bà con trong thôn, ông đã tiên phong hiến hơn 1.200 m2 đất, chặt phá hơn 600 cây quế đã 7 năm tuổi để mở rộng đường.

"Khi bắt đầu thực hiện, chúng tôi họp dân nghe cũng khó khăn lắm, ai cũng xót nhất là với những hộ có trồng cây quế, cây ăn quả. Chúng tôi họp Chi bộ thống nhất, đảng viên đi trước, làng nước đi sau, lấy các diện tích của các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn thực hiện trước. Đồng thời, họp nhân dân phổ biến mọi người nghe thấy rất phấn khởi việc mở rộng đường giao thông nông thôn, nên bà con phấn khởi lắm. Nhân dân khi lấy biểu quyết 100% ủng hộ sẽ mở đường từ 4m lên 7m", ông Đĩnh chia sẻ.

Hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao - Ảnh 3.

Người dân tham gia làm đường giao thông

Sau bà Mây, ông Đĩnh nhiều hộ dân trong thôn sẵn sàng dỡ bỏ tường rào, chặt cây, hiến đất để mở rộng con đường to đẹp hơn. Theo thống kê, đã có 25 hộ dân trong thôn có con đường đi qua đất của gia đình đều sẵn sàng hiến đất với trên 15.000m2; dỡ bỏ tường rào, công trình phụ và chặt bỏ hàng nghìn cây cối, hoa màu trên đất để mở rộng tuyến đường với chiều dài 2,4 km. Ví như, gia đình anh Lê Văn Dũng. Ngay sau khi Đảng ủy, UBND xã triển khai chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, anh Dũng đã tự nguyện chặt bỏ gần 1.000 cây quế, mỡ và hiến gần 1.700m2 đất để sẵn sàng cho việc mở rộng đường làng.

Giải thích để dân hiểu cái lợi của đường giao thông

Đất đai là tài sản giá trị lớn, rõ ràng hiến đất là quyết định không hề dễ dàng khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, hơn thế nữa, việc cắt đi một phần đất hương hỏa của cha ông để lại cũng là điều trăn trở của không ít người. Tuy nhiên, vì lợi ích chung nhiều hộ đã sẵn sàng hiến đất, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Hiến đất làm đường xây dựng Nông thôn mới ở vùng cao - Ảnh 4.

Giao thông thuận lợi sẽ giúp cho đời sống người dân Bảo Thắng được nâng lên

Ông Phạm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú cho biết, trong công tác tuyên truyền vận động người dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn ban đầu chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn; rất nhiều các hộ gia đình chưa đồng thuận việc hiến đất mở rộng đường bởi đồng nghĩa với việc người dân phải hy sinh lợi ích của mình.

Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hiểu được rằng việc thực hiện tốt phong trào này thì đem lại lợi ích cho tất cả mọi người dân trong đó có gia đình họ. Và họ đã đồng thuận thực hiện phong trào.

Không chỉ xã Gia Phú, mà phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn đã lan tỏa đến hàng loạt các xã khác trong huyện Bảo Thắng. Nhiều đảng viên tích cực hiến đất, hoa màu, đóng góp ngày công lao động chung tay cùng chính quyền tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn huyện có hàng nghìn hộ dân tham gia hiến đất làm đường giao thông, với hàng chục nghìn m2 đất và cây cối hoa màu trên đất, trị giá hàng tỷ đồng để nâng cấp mở rộng hơn 90km đường giao thông nông thôn từ 3m lên 6m. Đưa tỷ lệ đường nông thôn của huyện được kiên cố hóa đạt gần 90%.

Ông Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng cho rằng, trong phong trào hiến đất mở đường, điều quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động.

Theo đó, cần giải thích rõ cho người dân hiểu được chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc hiến đất làm đường; người dân được hưởng lợi gì, Nhà nước đầu tư thế nào để thuận lợi cho nhân dân. Hơn nữa, cán bộ từ huyện đến xã, đến thôn phải tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", có thế thì "nói dân nghe, làm dân tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm