Email
pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hotline
094.170.7373
Phố Nguyễn Văn Tuyết là phố mới được hình thành của quận Đống Đa. Nằm gần Ngã Tư Sở, nối giữa Tây Sơn và Yên Lãng, khu vực có mật độ giao thông và dân cư đông đúc. Sau khi hình thành, con phố này tập trung rất nhiều các quán ăn, dịch vụ ẩm thực. Quận Đống Đa đã hướng đến quy hoạch và xin cơ chế để phố Nguyễn Văn Tuyết trở thành khu phố thương mại ẩm thực đêm (tương tự khu phố Tống Duy Tân của quận Hoàn Kiếm). Nằm tại khu vực đông dân cư (phố Nguyễn Văn Tuyết còn giao cắt với Trung Liệt), đông các văn phòng, qua khảo sát, một số chủ kinh doanh các hàng quán quy mô vừa và nhỏ tại đây cho biết có lượng khách đông nhất vào buổi trưa các ngày trong tuần.
Trong thời điểm này, kinh doanh lĩnh vực ăn uống có những khó khăn nhất định, các chủ kinh doanh đều phải tính toán bài toán để tồn tại. Tại khu phố này, một số mặt bằng kinh doanh lớn, trước đây khi mới mở khá đông khách nhưng hiện đang trong tình trạng dừng hoạt động.
Một quán cafe quy mô nhỏ thưa vắng khách dù Hà Nội đang là mùa thu, thời điểm mà nhiều người chọn ra quán cafe để ngồi, đi dạo phố nhiều hơn. Các chủ kinh doanh cho biết họ chỉ biết thông tin "sắp thành khu phố thương mại ẩm thực văn minh" qua báo chí, chưa thấy có cuộc khảo sát ý kiến nào, chưa biết liệu quy hoạch thành khu phố thương mại ẩm thực thì có hoạt động hỗ trợ kinh doanh hay có phương án nào để hoạt động đồng bộ, nâng cấp, thu hút thêm sự quan tâm của khách hàng hay không.
Thông tin sẽ mở phố đi bộ tại khu vực Hoàng Cầu nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Đại diện lãnh đạo quận Đống Đa đã thông tin quận sẽ tập trung triển khai dự án cải tạo khu vực hồ Đống Đa kết hợp mở tuyến phố văn minh thương mại ẩm thực chứ không mở phố đi bộ. Khu vực xung quanh hồ Đống Đa đã được rào chắn và thi công vài tháng nay. Nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến sau khi đơn vị thi công tiến hành san lấp 1 phần diện tích mặt hồ. UBND quận Đống Đa khẳng định không có việc lấp 6.500m2 hồ Đống Đa như phản ánh, đây chỉ là biện pháp thi công công trình. Được biết, dự án cải tạo hồ Đống Đa có mức đầu tư 297 tỉ đồng.
Theo phối cảnh và kế hoạch cải tạo, khu vực quanh hồ sẽ có đường đi bộ, kết nối với bán đảo, làm thêm bán đảo nhân tạo nữa và kết nối không gian, đây là nơi đặt sân khấu biểu diễn, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Khu vực bán đảo này đã bị nhiều người dân nêu ý kiến phản đối, nhiều chuyên gia cho rằng nên thu hồi sau khi được cho 1 công ty thuê theo hình thức thuê đất 50 năm.
Công trình kiên cố đã được xây dựng trên bán đảo, việc sẽ có phương án như thế nào để đồng bộ với hạ tầng, cảnh quan dự án của quận đang triển khai là vấn đề được nhiều người dân khu vực quan tâm. "Khu vực hồ là không gian công cộng, phục vụ miễn phí cho người dân, nhưng phần đất này thì không", cô Tư - một cán bộ hưu trí cư trú lâu năm tại đây chia sẻ ý kiến.
Ban đầu, khi có thông tin sẽ mở phố đi bộ tại khu vực này, nhiều người dân lo ngại vì đây là khu vực đông dân cư, nhiều ngõ ngách, khá phức tạp về giao thông
Phố Mai Anh Tuấn - con phố dự kiến trở thành phố ẩm thực - thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Nhiều người để tránh cảnh tắc đường đã chọn đi qua ngõ ngách và đâm vào con phố nhỏ này
Ở ven hồ, phố Mai Anh Tuấn từ lâu đã có nhiều cửa hàng ăn uống. Tương tự như bên phố Trần Văn Tuyết, các chủ cơ sở kinh doanh tại đây cũng nói rằng "mới đọc báo thấy thế, chứ chưa thấy thông báo chính thức hay thăm dò ý kiến chúng tôi về mở tuyến phố ẩm thực". Một chủ quán ăn khu vực này đã "nhanh tay" vẽ lên các tấm tôn quây để thi công cải tạo hồ một vài hình ảnh Hà Nội.
Một chủ kinh doanh cho biết do mất view hồ nên lượng khách tạm thời giảm, hình ảnh đã vẽ thể hiện tình yêu với Hà Nội. Người dân, các chủ kinh doanh vẫn luôn ủng hộ việc cải tạo không gian công cộng cho cộng đồng, sẵn sàng chung tay nâng cấp tuyến phố thành "thương mại ẩm thực văn minh", nhưng bày tỏ mong muốn cần sâu sát, lắng nghe ý kiến người dân, người kinh doanh nhiều hơn nữa, bởi "mọi quyết định lớn nhỏ đều ngay lập tức ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày, đến miếng cơm manh áo của chúng tôi".