Hiệp hội bất động sản Việt Nam đề xuất gói tín dụng mới hỗ trợ mua nhà ở xã hội

26/07/2019 - 21:05
Chênh lệch cung cầu phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội hiện quá lớn, trong khi đó, nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội hiện nay rất eo hẹp, số người tiếp cận được nguồn vốn là không nhiều.
Tại hội thảo về phân khúc nhà ở bình dân mới đây, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cho biết phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn luôn có lượng cầu rất cao trong nhiều năm qua. Đối tượng khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở bình dân với giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 luôn chiếm 80% nhưng nguồn cung nhà ở cho phân khúc này lại rất thiếu.
 
Chênh lệch quá lớn về cung cầu của thị trường bất động sản đã diễn ra từ rất nhiều năm qua ở các thành phố lớn, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Theo ông Chiến, thời gian qua, có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, hướng đến đầu tư loại hình căn hộ giá rẻ. Tuy nhiên, “đến nay phân khúc nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, ông Chiến nói.
 
 
von-vay-ngan-hang-chinh-sach.jpg
Vay vốn ưu đãi lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội

 

Ông Chiến phân tích, nguyên nhân chủ yếu là việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội chưa đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, văn bản pháp luật chưa đồng bộ và việc thực hiện còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
 
Đặc biệt, người dân khó tiếp cận được nhà ở vì thiếu các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho vay để mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối tháng 3/2016 thì nguồn vốn vay cho người thu nhập thấp từ Ngân hàng CSXH cho vay mua nhà ở xã hội hiện nay rất eo hẹp, số người tiếp cận được nguồn vốn là không nhiều.
 
Qua đó, ông Đỗ Viết Chiến đề xuất nhà nước cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính, có thể thông qua một gói tín dụng hỗ trợ khác hoặc thành lập quỹ đầu tư riêng phát triển nhà ở xã hội… Làm được điều đó sẽ tháo gỡ được khó khăn về mặt tài chính, tạo cơ hội cho cả doanh nghiệp và người thu nhập thấp có thêm cơ hội mua được nhà.
 
Cùng với đó, VNREA kiến nghị Thủ tướng và Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch để xác định cụ thể quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai... tạo điều kiện các chủ đầu tư rút ngắn thời gian phát triển các dự án nhà ở xã hội... 
 
 
nh-gia-re.jpg
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị nhà nước cần có thêm nguồn vốn vay ưu đãi để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà. Ảnh minh họa

  

Như Báo PNVN đã phản ánh, hiện nay, nguồn tài chính cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi đang được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai. Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí cho ngân hàng này số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động, tổng nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội là 1.326 tỷ đồng.
 
Về mức lãi suất gói vay ưu đãi này, trong năm 2018, Hội đồng quản trị NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 4,8%/năm.
 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp mua nhà ở xã hội hơn 1.000 tỷ đồng lại phải phân giao về nhiều tỉnh/thành để cho vay. Số vốn ít ỏi này chỉ như “gió vào nhà trống”, trong khi vẫn còn hàng trăm ngàn gia đình khó khăn về nhà ở có nhu cầu vay vốn nhưng chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp này.
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh- HoREA, cho biết: Trước đây có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi được triển khai từ năm 2013. Sau 3 năm thực hiện chính sách này, đến hết năm 2016 đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã có tác động làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. 
 
Còn nguồn vốn vay qua NHCSXH nêu trên, theo ông Lê Hoàng Châu, “thực tế đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm