pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hình ảnh mẹ trong thơ Bạch Văn Tín
Người mẹ luôn là niềm cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhà thơ, trong đó có Bạch Văn Tín. Nhà thơ 8x luôn đau đáu về hình ảnh người mẹ lam lũ tảo tần, đã một đời vất vả nắng mưa, hết lòng thương yêu con cái.
"Cưới vợ cho chồng" là những lời thơ đầy cảm xúc:
Cái ngày cưới vợ cho cha/Bờ đê mẹ ngã sấp ba bốn lần/Bầu trời đổ xuống bàn chân/Người như chết điếng nửa phần mẹ ơi.
Trăng tròn mười sáu giữa trời/Chuyến đò cập bến theo người làng bên/Bao năm cầu khấn bề trên/Mẹ mong mỏi đứa con miền chiêm bao.
Cũng vì dòng dõi thấp cao/Cái danh cái phận hôm nào còn không/Mẹ đi lấy vợ cho chồng/Mà hồn lạc giữa cánh đồng héo hon.
Canh thâu tiếng khóc đầu non/Tháng ngày mẹ ngóng bỗng con đã về/Nuốt vào hàng lệ đầm đìa/Thương con dành cả trăm bề hy sinh.
Cũng là duyên phận của mình/Chồng chia hai nửa nghĩa tình thấy đâu/Mẹ giờ mây tóc trắng phau/Mạn đò sóng vỗ mẹ đau một đời.
Con giờ trọn vẹn lứa đôi/Càng thêm thương mẹ suốt đời sẻ chia/Đi xa thương nhớ trở về/Đứng nơi mẹ ngã mà tê tái lòng.
Những câu thơ như rút ruột gan của nhà thơ, một người phụ nữ phải sống trong thời kỳ có nhiều hủ tục, khi bà mẹ chưa sinh được con trong mấy năm đầu làm dâu, đành phải nhắm mắt để chồng mình đi lấy vợ, mà còn phải trực tiếp đi cưới hỏi vợ cho chồng mình. Đến nỗi khi đi ra tới bờ đê, mẹ phải ngã sấp đến tới ba, bốn lần, bầu trời trước mắt như sụp đổ. Sự hy sinh chia sẻ tình cảm của mình cho người chồng đã khiến bà mẹ đau đớn chết cả nửa phần người.
Một hình ảnh ấn tượng khác trong bài thơ "Hạt lúa của mẹ", cho chúng ta thấy được tấm lòng tình cảm hết lòng vì gia đình của những bà mẹ Việt Nam:
Mẹ phơi hạt lúa vàng sân/Khô trăm hạt mẩy, héo ngàn hạt non.
Giọt mồ hôi mặn lăn tròn/Rơi ngang hạt lúa gãy giòn làm đôi.
Tháng Năm nắng chói mắt người/Lúa tươi mẹ đội giữa trời ban trưa.
Sân nhà bóng nắng đong đưa/Mẹ đang chang những thiếu thừa sớm hôm.
Lúa này thơm mãi thảo thơm/Dãi dầu mưa gió mẹ ôm vào lòng.
Nâng niu từng hạt nhớ mong/Lúa hay tình mẹ mênh mông giữa trời.
Hình ảnh ăn sâu vào ký ức của nhà thơ là hạt lúa hạt gạo đã nuôi nấng mình nên người. Trồng được cây lúa trầy da tróc vảy, khi được mùa thì không sao nhưng khi mất mùa thì cuộc sống lại khó khăn gấp nhiều lần. Những giọt mồ hôi của mẹ đã được khắc họa rõ nét, tình thương yêu của mẹ thảo thơm ăm ắp mênh mông không thể nào đo đếm được…
Ở tác phẩm "Bà lên bế cháu" là những vần thơ lục bát ngọt ngào:
Từ làng lên chốn phồn hoa/Chung cư thang máy chân bà run run/Dép lê mòn gấu quần chun/Áo hoa lem lấm vết bùn của sông
Bà mang theo ngọn gió đồng/Toả hương thơm ngát của bông lúa vàng/Lời ru trĩu nặng nỗi làng/Cánh cò cõng cả mênh mang phận người
Chẳng quen sống giữa lưng trời/Đêm khuya thao thức nhớ nơi ruộng vườn/Bà mong các cháu lớn khôn/Còn về gánh nắng chạy cơn mưa rào"
Người mẹ ấy dành hết cả thời gian lẽ ra an dưỡng tuổi già cho con cho cháu. Các con đi làm ăn xa, mẹ phải bỏ làng bỏ quê để lên ở cùng bế cháu cho con. Tình thương yêu sâu nặng mà mẹ dành cho con cháu là điều không bao giờ nói hết được bằng lời. Trong mắt người mẹ, mỗi đứa con lúc nào cũng vẫn luôn nhỏ bé, cần được quan tâm, lo lắng, chở che.
Trong một bài thơ khác, Bạch Văn Tín viết về người cha người mẹ của mình thời thơ ấu, với những hình ảnh "Đập lúa đêm trăng" hay "Vại tương của mẹ", khiến người đọc rưng rưng hoài niệm tuổi thơ:
ĐẬP LÚA ĐÊM TRĂNG
Đêm trăng cha đập lúa chiêm/Trăm nghìn hạt thóc bên thềm xôn xao/Sân nhà chứa giấc chiêm bao/Nâng niu hạt ngọc ước ao một đời
Nâu sồng ướt đẫm mồ hôi/Gió như xoa dịu lưng người bớt đau/Dưới chân cối đá bạc màu/Lúa cong cong vút qua đầu thóc bay
Mẹ ngồi tết néo thừng đay/Siết thương buộc nhớ vơi đầy tháng năm/Rơm thơm tay mẹ bổng trầm/Néo ôm chặt lúa lặng thầm dưới trăng
Con loay hoay tãi mùa màng/Tìm trong những hạt ngọc vàng vị quê/Có con châu chấu ngủ mê/Trăng khuya sáng tỏ lối về tuổi thơ
Giật mình chợt tỉnh giấc mơ/Bên song thấy bóng trăng xưa đậu tường/Mẹ cha đứng giữa đêm sương/Con nghe tiếng đập muôn phương dội về.
VẠI TƯƠNG CỦA MẸ
Mặt trời gửi nắng xuống sân/Hong khô cơm nếp trắng ngần ủ tương/Góc sân thấp thoáng nón chuông/Mẹ đang ủ nhớ phơi thương một đời
Vại tương in một mảnh trời/Có mồ hôi mặn mẹ ngồi giữa trưa/Hơi men mốc cả nong thưa/Tỏa hương thơm ngọn gió đưa mẹ à
Vại tương đã chuyển mầu ngà/Cho rau muống những đượm đà vị quê/Cha về đầy giỏ cá trê/Kho tương mẹ nấu khói mê chiều vàng
Khói cong như dáng của làng/Mùi tương mẹ ủ chang chang nắng chiều/Đi xa con vẫn nhớ nhiều/Bát tương ăm ắp những điều thảo thơm.
Có những hy sinh thầm lặng của mẹ đã nâng bước chúng ta trên đường đời, cho dù có đi đến khắp phương trời, đi bạc cả mái tóc ta cũng không bao giờ quên - đó là điều mà Bạch Văn Tín gửi gắm, nhấn mạnh qua những vần thơ.