Hình thành nguyên tắc cá nhân cho trẻ

Song Nghi
05/02/2023 - 14:04
Hình thành nguyên tắc cá nhân cho trẻ

Ảnh minh họa

Mặc dù dùng chung đồ đạc nhưng tôi và em trai chưa bao giờ để xảy ra tình trạng quần áo, sách vở, đồ dùng của đứa này lẫn với đứa kia. Tôi không bao giờ tò mò, tự ý lục lọi hay xâm phạm đồ đạc của em trai và ngược lại.

Nhà tôi sống ở một căn hộ tập thể chật chội nên từ bé, tôi không có khái niệm "phòng riêng". Lúc tôi và em trai còn nhỏ, bố mẹ ngủ ở phòng trong, còn tôi và em ở chung phòng ngoài, cũng là phòng khách của gia đình. Từ bàn học, giá sách đến tủ đựng quần áo, chị em tôi đều sử dụng chung với nhau.

Mặc dù dùng chung đồ đạc nhưng tôi và em trai chưa bao giờ để xảy ra tình trạng quần áo, sách vở, đồ dùng của đứa này lẫn với đứa kia. Tôi không bao giờ tò mò, tự ý lục lọi hay xâm phạm đồ đạc của em trai và ngược lại. 

Bố mẹ tôi luôn dặn hai chị em rằng: "Không ai muốn đồ đạc, thiết bị cá nhân của mình bị người khác xoi mói hay tự ý lục lọi, sử dụng. Vì thế, tự mỗi người phải có ý thức tôn trọng nhau, tuyệt đối không biến của chung làm của riêng, không tự ý động chạm vào đồ đạc tư trang của người khác. Khi ta tự ý dùng đồ của người khác mà chưa hỏi, hoặc hỏi mà chưa được sự đồng ý nghĩa là ta vi phạm sở hữu cá nhân của người khác. Nếu các con không tự định ra cho mình nguyên tắc và thực thi nghiêm túc nguyên tắc ấy là các con dễ dãi, không tôn trọng bản thân mình".

Hình thành nguyên tắc cá nhân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thực sự, với những đứa trẻ còn học cấp 1, cấp 2 ngày ấy, nghe bố tôi giáo huấn thế, chúng tôi chỉ biết dạ vâng và tuân thủ theo chứ chưa hiểu ý nghĩa sâu xa của những lời bố dạy. Chúng tôi "nghe lời" bố một cách rất đơn giản: cái gì của chị thì thuộc quyền sở hữu cá nhân của chị, cái gì của em thì thuộc quyền sở hữu cá nhân của em; vật thuộc sở hữu của người này thì người kia bất khả xâm phạm nếu như không có sự thống nhất, đồng ý của chủ sở hữu.

Nhà tôi ở thành phố, nên mỗi dịp hè thường có khách ở quê là các anh chị em họ ra ở đôi ba tuần. Nhà chật, ở đông người nên chúng tôi cảm thấy không thích. Biết điều này, bố tôi không quát mắng mà gọi riêng hai chị em tôi cho đi ăn chè, rồi ra công viên ngồi thư giãn. Ở đó, bố kể chuyện thời khốn khó, vất vả ở quê. Rằng ngày bé, bố là người chăm chỉ, sáng dạ nên được cả nhà ưu tiên cho đi học, các cô chú tôi phải nghỉ học sớm hơn để phụ ông bà việc đồng áng. 

Nhờ có tình yêu thương, sự hy sinh của cả gia đình, bố tôi sau này mới được đi học đại học, thoát ly ở thành phố. "So với sự hy sinh của cả nhà thì đôi ba tuần các con hy sinh không gian riêng để chào đón các anh chị em họ chẳng là gì cả. Nếu các con nghĩ rằng, đó là khoảng thời gian hiếm hoi trong năm để anh chị em được quây quần bên nhau, các con sẽ thấy vui và mong đợi. Còn nếu các con luôn cảm thấy sự xuất hiện của các anh chị em họ là phiền toái thì các con sẽ bị sự ích kỷ làm cho khó chịu. Tại sao trong khi các anh chị em luôn hào hứng, thích các con về quê mà con lại không hân hoan mong đợi có dịp các anh chị em họ ra thành phố?" - Bố tôi chỉ nói vậy, không mắng mỏ gì thêm. Nhưng sau lần ấy, chúng tôi thay đổi hẳn suy nghĩ và thái độ của mình. Kể từ đó, tình cảm anh chị em họ chúng tôi càng gắn bó, khăng khít, luôn mong có dịp được về quê hay ra thành phố.

Khi tôi và em trai học lên cấp 3, vào đại học, bố rất hay dành thời gian trò chuyện với chị em tôi về lẽ sống, nhân sinh quan, thế giới quan. Bố tôi bảo, những chuẩn mực cá nhân sẽ hình thành nên nguyên tắc chung về ứng xử trong xã hội. Nếu mỗi người biết tôn trọng nguyên tắc cá nhân thì sẽ có ý thức thực hành tốt nguyên tắc chung của toàn xã hội…

Thời gian trôi, trong rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ có thể chúng tôi không còn nhớ nhưng riêng những bài học từ bố thì chẳng bao giờ chúng tôi quên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm