Hộ kinh doanh mong muốn gì khi nâng cấp thành doanh nghiệp?

21/03/2018 - 20:53
Nghị định 39 mới được Chính phủ ban hành giúp hỗ trợ hàng triệu hộ kinh doanh thuận lợi phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đặc biệt, họ mong chờ những quy định được triển khai cụ thể, đầy đủ và sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

 

phu-nu-khoi-nghiep-2.jpg
Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp được hỗ trợ, miễn nhiều loại phí, lệ phí - ảnh H. Hòa

 

Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Phương, SN 1988, ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên, từ nguồn vốn vay của Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương – TYM, thuộc Hội LHPNVN, đã khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất viên nén mùn cưa, tạo nguồn năng lượng xanh từ phế thải nông, lâm nghiệp sẵn có tại địa phương.
Đến nay, chị đã mở rộng xưởng sản xuất lên hơn 1.000m2. Sử dụng nhân công thường xuyên từ 12 đến 15 người đều là phụ nữ tại địa phương, với mức thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Doanh thu của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, anh chị tự nghiên cứu và sáng tạo ra máy nén mùn cưa để đưa vào sản xuất. Vợ chồng chị đã chuyển giao và hướng dẫn sản xuất, kỹ thuật chế tạo, sử dụng máy này đến hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Qua đó, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu là mùn gỗ, rơm rạ, vỏ trấu… trở thành chất đốt, thay thế cho ga, điện trong đun nấu của các gia đình.

Chị Thanh Phương cho biết, hiện tại gia đình đang chuẩn bị “nâng cấp” từ hộ kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp hoặc hoạt động theo hình thức hợp tác xã để có tư cách pháp nhân, tạo ra các chuỗi sản xuất, thu hút nhiều người cùng làm để mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất, chiếm lĩnh thị trường.

Qua thực tế khởi nghiệp và chuyển đổi thành doanh nghiệp, chị Thanh Phương chia sẻ: Để thành lập doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, chặng đường còn rất gian nan. Vướng mắc nhất chính là nhu cầu về nguồn vốn lớn hơn nữa để đầu tư thêm trang thiết bị máy móc sản xuất. Bên cạnh đó, rất cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, hộ kinh doanh cũng mong muốn được tư vấn, hỗ trợ về thủ tục, pháp lý từ các cấp, các đoàn thể ở địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn để tập hợp các hộ gia đình tạo thành liên kết chuỗi cùng tham gia sản xuất lớn, từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến phân phối ra thị trường…

Theo các chuyên gia, có 8 chỉ số đánh giá quan trọng với nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể là: Vốn, chính sách, chương trình của chính phủ, giáo dục- đào tạo, chuyển giao các nghiên cứu - phát triển, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, văn hóa chấp nhận rủi ro và tiêu chí của thị trường. Tuy nhiên, các chỉ số này ở nước ta chưa cao.

phu-nu-khoi-nghiep-1.jpgTừ hộ gia đình sản xuất chuyển thành doanh nghiệp, nhất là với phụ nữ khởi nghiệp là một chặng đường dài và rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước.

 


Đặc biệt, với những phụ nữ bắt đầu khởi sự kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại hội thảo gần đây, bà Từ Thu Hiền, Giám đốc MBI Mekong Business Initiative, chia sẻ: Phụ nữ khởi nghiệp phần lớn thiếu kiến thức, kỹ năng kinh doanh. Họ gặp khó khăn với tiếp cận tài chính, công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh. Không chỉ vậy, do đặc điểm về giới và chi phối bởi gia đình, phụ nữ thường thiếu thông tin, hạn chế khả năng kết nối, mở rộng qua hệ.

Bà Từ Thu Hiền đề nghị, các cơ quan, ban ngành và tổ chức nên có những hỗ trợ chuyên biệt, sát thực tế và hiệu quả hơn nữa dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chị Thanh cho biết, những ưu đãi, hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt là các hỗ trợ, miễn các loại phí đăng ký doanh nghiệp, phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh… Qua đó, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh có khát khao vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế vững mạnh hơn. Chị Nguyễn Thanh Phương cũng như nhiều hộ kinh doanh mong muốn các quy định, chính sách hỗ trợ tích cực này sẽ được thực hiện đầy đủ, hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt ở cấp địa phương.

Theo khảo sát cuối năm 2017 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy: Có 73% doanh nghiệp cho rằng rào cản liên quan đến cơ chế chính sách do thủ tục rườm rà. Có 46% doanh nghiệp cho rằng quản lý còn chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước. Có 36% doanh nghiệp phàn nàn việc thay đổi đột ngột về chính sách đã gây khó khăn trong sản xuất, kinh đoanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm