Hỗ trợ lao động nữ ngoài 35 tuổi tăng khả năng thích ứng với thị trường lao động

PV
01/04/2024 - 10:44
Hỗ trợ lao động nữ ngoài 35 tuổi tăng khả năng thích ứng với thị trường lao động

Lao động nữ ngoài 35 tuổi ít có cơ hội trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Ảnh minh họa: PVH

Theo Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lao động nữ ngoài 35 tuổi mất việc làm dễ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới cũng như hạn chế hơn về khả năng thích ứng với thị trường lao động.

Chị Phạm Thị Lệ, 46 tuổi, tại Bắc Ninh, chia sẻ: qua gần chục năm làm việc tại một công ty lắp ráp điện tử ở Thuận Thành, Bắc Ninh nhưng công ty hết việc, giải thể, nên chị bị mất việc. Mặc dù là lao động có nhiều kinh nghiệm, nhưng suốt 2 năm qua, chị nộp hồ sơ ở nhiều công ty đều bị từ chối, lý do là "độ tuổi không phù hợp, sức khỏe khó đáp ứng được yêu cầu". Chị ngậm ngùi: "Lao động nữ ngoài 30 tuổi khi mất việc thì cánh cửa hi vọng được làm ở khu công nghiệp gần như đóng lại, chỉ còn nước về quê làm nông, thu nhập bấp bênh".

Theo số liệu báo cáo của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội 5 tháng đầu năm 2023, có gần 500.000 người lao động bị mất việc làm, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.

Trong đó có 279.409 mất việc làm, 195.039 người bị giảm giờ làm, 17.003 người nghỉ không lương, 8.346 người tạm hoãn hợp đồng lao động.

Bà Trần Thu Phương, Phó trưởng Ban Nữ công - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: Tình hình việc làm của lao động nữ hiện nay có sự phân hóa theo ngành nghề, địa bàn hoạt động. Khu vực phía Bắc và miền Trung tình hình lao động, việc làm tương đối ổn định, ít bị xáo trộn. Tuy nhiên khu vực phía Nam một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày đang bị giảm đơn hàng nên phải có phương án bố trí lại lao động hoặc cắt giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động dẫn đến khó khăn cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng về việc làm.

Theo đánh giá sơ bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến đầu năm 2023 có một số doanh nghiệp như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam như TPHCM, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang (chiếm khoảng 70% của cả nước).

Hỗ trợ lao động nữ ngoài 35 tuổi tăng khả năng thích ứng với thị trường lao động- Ảnh 1.

Lao động nữ tìm kiếm việc làm mới tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Ảnh minh họa

Trong tháng 6/2023, Ban Nữ công - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, khảo sát về thực trạng đời sống, việc làm của lao động nữ di cư trong các khu công nghiệp tại TPHCM, An Giang cũng đã ghi nhận tình trạng một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhẹ thì người lao động không được làm thêm giờ, nặng hơn là người lao động phải nghỉ giãn việc, thậm chí có doanh nghiệp phải cắt giảm hàng nghìn lao động.

Theo bà Trần Thu Phương, việc cắt giảm lao động là thực trạng chung của lao động, không riêng với lao động nữ trên 35 tuổi. Tuy nhiên, lao động nữ ngoài 35 tuổi mất việc làm dễ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới cũng như hạn chế hơn về khả năng thích ứng với thị trường lao động do bất lợi về sức khỏe, khả năng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, đặc biệt là những kỹ năng về công nghệ thông tin.

Để hỗ trợ lao động nữ, bà Trần Thu Phương cho biết, Ban nữ công đề xuất triển khai nhiều hoạt động, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc, trong đó chú trọng thực hiện chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính; ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên tái ký hợp đồng lao động đối với lao động nữ khi hợp đồng lao động hết hạn; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được tính vào thâm niên công tác để thực hiện các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, đào tạo và cơ hội thăng tiến; xác định tỷ lệ nữ trong cơ cấu lãnh đạo từ cấp phòng, ban, phân xưởng... trở lên; chế độ đào tạo thêm nghề dự phòng cho lao động nữ, đặc biệt là những ngành nghề phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý của lao động nữ có tuổi; thực hiện các chế độ trợ cấp như: trợ cấp đi lại, nhà ở, thâm niên, nuôi con nhỏ, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo…

Đồng thời, các cấp công đoàn cũng thường xuyên rà soát, phát hiện những khó khăn, bất cập của người lao động để chủ động hỗ trợ giải quyết, cụ thể: đề xuất với người sử dụng lao động tạo điều kiện cho những người lao động bị bệnh hiểm nghèo có thời gian và công việc tốt nhất để có thể vừa làm việc vừa điều trị bệnh, bộ phận lao động nữ tuổi ngoài 45 mắt kém, thao tác chậm có thể được sắp xếp, bố trí làm những công việc đơn giản nhất phù hợp với khả năng và sức khỏe của họ...

Những thông tin trên được chia sẻ trong tọa đàm với chủ đề "Nhịp cầu lao động: Bảo đảm việc làm, sức khỏe cho lao động nữ", vấn đề lao động nữ trung niên bị mất việc, giãn việc, khó tìm kiếm được việc làm mới tiếp tục được thảo luận, tìm kiếm giải pháp gỡ khó cho đối tượng này do Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp tổ chức tại Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ năm 2024 diễn ra tại Bắc Ninh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm