‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’: Nếu một ngày chúng ta thành người máy...

31/08/2018 - 14:14
Đã 30 năm kể từ lần ra mắt đầu tiên, vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn đau đáu những chiêm nghiệm nhân sinh đầy hơi thở đương đại.

Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ  đã lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội tối 25/8/2018 với bản dựng của đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến cùng kíp diễn đã đoạt Vàng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018. Đây là đêm diễn nằm trong Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch tài năng này do Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức, có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

1-ngn-hng-shb-phi-hp-cng-nh-ht-tui-tr-t-chc-m-kch-lu-quang-v-ti-nh-ht-ln-h-ni.jpg

Ngân hàng SHB phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức Đêm kịch Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Lớn Hà Nội

 

Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày Lưu Quang Vũ rời cõi trần ở tuổi 40, có lẽ vì thế mà người xem Hoa cúc xanh trên đầm lầy mang theo một tâm thế khác, một kỳ vọng khác trên nền những hoài niệm và yêu thương dành cho Vũ và kịch của Vũ.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy vốn là một vở kịch đầy chất thơ của Vũ. Thơ từ cái tên vốn lấy ý của hai câu của Quỳnh: Hoa cúc xanh có hay là không có/Trong đầm lầy thung lũng tuổi thơ em. Thơ từ cái ý tưởng về hai người máy giống hệt người thật được tạo ra bởi những gì tốt đẹp, hoàn mỹ nhất. Và thơ trong cả cách kết thúc có hậu đầy tính lý tưởng phi thực. 

Nếu mong chờ chất thơ trong bản dựng của đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến thì những khán giả yêu Vũ như một tín đồ sẽ có phần thất vọng. Bản dựng mới này chỉ giữ lại cái cốt lõi mà Vũ đặt ra trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy: Khát vọng vượt thoát khỏi cuộc sống bế tắc với đầy rẫy những điều xấu xí là khát vọng muôn thủa của con người, nhưng có chính đáng không khi chỉ sống trong quá khứ trong veo và tương lai rực rỡ mà từ chối thực tại hoặc chỉ sống cho thực tại mà lãng quên những ước mơ, lý tưởng đẹp đẽ của thanh xuân? 30 năm trước thế hệ của Vũ đã trăn trở với câu chuyện vượt thoát ấy. 30 năm sau, con người của xã hội hôm nay càng dằn vặt bản thân mình vì chính câu hỏi đó. Lời giải ai cũng có nhưng làm thì chẳng dễ dàng.

6-cnh-trong-v-hoa-cc-xanh-trn-m-ly.jpg
Cảnh trong vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"

 

Nội dung vở diễn xoay quanh 3 nhân vật Hoàng, Liên và Vân - những người bạn từ thủa ấu thơ. Ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày Liên thông báo cưới Vân. Vốn là một kỹ sư điều khiển học, bất mãn với thực tại và khát khao về sự hoàn hảo, Hoàng đã chế tạo ra 2 robot mang vóc dáng và có những đặc điểm tính cách của Liên và Vân, nhưng là những khía cạnh đẹp nhất, lý tưởng nhất. Từ đây, những câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Và tất cả đều nhận ra những vấn đề của chính mình.

3 nhân vật chính của Hoa cúc xanh trên đầm lầy - Hoàng, Vân, Liên - thực ra chỉ là 3 mặt của 1 con người. Hoàng là đại diện cho một quá khứ trong veo, lưu giữ những ký ức đẹp đẽ nhất của tuổi hoa niên, chỉ biết sống với những kỷ niệm về bông cúc xanh dù thực tại cái đầm lầy ở quê nhà đã không còn nữa. Liên là đại diện của thực tại, với bề bộn những lo toan thường nhật cơm áo gạo tiền xoay sở sớm tối ngày này tháng nọ mà chưa lúc nào ổn thỏa. Vân là đại diện của tương lai với biết bao lý tưởng đẹp đẽ, bao khát vọng, ước mơ.

Lưu Quang Vũ đã tách 3 nhân vật ra từ một bản thể thống nhất, để mỗi một cá thể tách rời ấy tự soi chiếu lẫn nhau, chất vấn nhau, rồi dằn vặt nhau, thất vọng về nhau, chỉ trích nhau, phủ nhận nhau, để cuối cùng là chấp nhận sự tồn tại của nhau như nó vốn có trước khi nhập về làm một bản thể ban đầu: có xấu, có tốt, có quá khứ có tương lai và có cả thực tại. Vào giây phút ấy, 2 con người hoàn hảo siêu thực đã chìm dần xuống đầm lầy ảo vọng.

2-b-ninh-th-lan-phng-ph-tng-gim-c-shb-nhn-hoa-v-k-nim-chng-t-nst-ch-trung-gim-c-nh-ht-tui-tr-trong-m-kch.jpg

Bà Ninh Thị Lan Phương - Phó Tổng giám đốc SHB nhận hoa và kỷ niệm chương từ NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ trong Đêm kịch

 

Sĩ Tiến đã thay đổi kịch bản ở cái kết. Thay vì để sự hiện diện của 2 người máy phiên bản hoàn hảo của Liên và Vân chỉ là một giấc mơ của Hoàng, thì đạo diễn đã để cho họ chết thật. Không có giấc mơ nào cả. Sự tồn tại của 2 người máy là thật. Đó là một cái kết thức thời và phù hợp với thời đại trí tuệ nhân tạo hôm nay, thời mà người ta không chỉ có khả năng tạo ra những con robot có tư duy và cảm xúc như con người, mà còn có thể nhân bản vô tính ra những con người thật, thay thế hoàn toàn công việc của chúa Trời.

Nhưng cũng trong phần kết, giá như đạo diễn mạnh bạo hơn chút nữa, xóa bỏ cả những thông điệp giáo điều được đặt vào lời thoại của Hoàng. Một cái kết tròn trĩnh, rõ ràng và làm nhiệm vụ phát ngôn viên cho tác giả kịch bản đã trở nên cũ kỹ từ lâu. Sự giáo điều ở cái kết vô tình phá vỡ trường suy tư, liên tưởng cùng mạch cảm xúc day dứt, trăn trở của người xem ở phân cảnh hai người máy Liên - Vân chìm xuống đầm lầy.

Những mảng miếng mà đạo diễn Sĩ Tiến đưa vào để làm mềm vở kịch với diễn xuất của dàn diễn viên phụ cứng và dày dạn kinh nghiệm hơn cả kíp chính đã thực sự mang lại hiệu quả giải trí. Bối cảnh sân khấu mang tính ước lệ cao, thay đổi linh hoạt các không gian chỉ bằng sự xê dịch những khối thép và ánh sáng. Tiếng động sử dụng tiết chế nhưng "đắt", đặc biệt là tiếng xe máy rồ ga vụt qua làm đứt đoạn màn tỏ tình vụng về của Hoàng với Liên, hay tiếng máy hàn xì trong xưởng chế tạo người máy của Hoàng. 

3-ng-o-khn-gi-n-n-xem-m-kch-hoa-cc-xanh-trn-m-ly.jpg

Đông đảo khán giả đến đón xem đêm kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"

 

Diễn xuất của Thanh Sơn và Thu Quỳnh chắc và tròn trịa. Thu Quỳnh với những kinh nghiệm làm phim thu tiếng đồng bộ đã xử lý rất khéo đài từ còn thiếu sót của mình bằng lối thoại tự nhiên, gần gũi. Sự biến hóa luân phiên liên tục của nữ diễn viên từ một Thùy Liên người máy đầy mơ mộng, "chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì" với một Thùy Liên người thực đầy thực dụng, chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền khá linh hoạt, rạch ròi và không bị chông chênh. Huy chương Vàng cho Thu Quỳnh và Thanh Sơn tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 thực sự xứng đáng, chí ít với những gì họ thể hiện trong đêm diễn 25/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy sẽ tiếp tục có những đêm diễn Nam tiến trong tương lai. Ngoài 5 đêm diễn trong khuôn khổ Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ kỷ niệm 30 năm ngày mất của 2 tác giả Lưu Quang Vũ, SHB và Nhà hát Tuổi trẻ đã cùng đồng hành và triển khai thành công dự án Chắp cánh niềm tin tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

4-i-din-ngn-hng-shb-tng-hoa-chc-mng-m-biu-din-thnh-cng-rc-r.jpg

Đại diện Ngân hàng SHB tặng hoa chúc mừng đêm biểu diễn thành công rực rỡ

 

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, trách nhiệm xã hội đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển bền vững của SHB, trong đó việc triển khai các chương trình hướng đến cộng đồng luôn được SHB chú trọng thực hiện.

Với sự giúp sức của SHB, cả về vật chất lẫn tinh thần và sự đồng hành trực tiếp tại mỗi buổi diễn, những vở kịch đầy chất nhân văn, lòng nhân ái trong kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ như Ai là thủ phạm, Lời nói dối cuối cùng, Lời thề thứ 9… đã góp phần đem lại cuộc sống tinh thần đầy cảm xúc cho rất nhiều khán giả. Và giá trị nhân văn không chỉ nằm trong một buổi diễn hay mà còn được nhân rộng cho các thế hệ trẻ. Đó là những món quà tinh thần thiết thực, tạo niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Điều này còn khơi dậy niềm đam mê với sân khấu kịch; cùng nhau duy trì và phát triển nền nghệ thuật đó như một phần giá trị văn hóa của đất nước.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm