Hoa mắt với hàng thật, hàng giả của tỏi đen Lý Sơn

06/11/2018 - 20:35
Để hút khách, nhiều cửa hàng bán tỏi đen, đặc biệt là tỏi đen cô đơn dùng nguyên liệu của Phú Yên, Sơn La, thậm chí cả Trung Quốc để sản xuất, nhưng lại gắn mác Lý Sơn.
Loạn tỏi đen gắn mác Lý Sơn
 
Là loại dược liệu có đặc tính chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống các bệnh ung thư, tiểu đường, các bệnh nan y…, giá mỗi kg tỏi đen trên thị trường hiện nay khoảng 1,4 triệu đồng, riêng tỏi đen được chế biến từ tỏi cô đơn Lý Sơn có giá lên tới 2-3 triệu đồng/kg.
toi_fodi.jpg
Loạn tỏi đen Lý Sơn

 

Vừa qua, Cty TNHH I AM V - đơn vị chuyên cung cấp tỏi đen đóng tại TP.HCM đã bị “tố” vì “chém gió” về tỏi Lý Sơn trên sóng truyền hình. Theo đó, Cty này cho biết, đơn vị mình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 300 kg tỏi cô đơn Lý Sơn và công ty cũng có vùng trồng tỏi tại đảo Lý Sơn. Thông tin này đã nhanh chóng bị chính quyền huyện đảo Lý Sơn lên tiếng phản bác.
 
Tại một cơ sở chuyên bán các tỏi đen, rượu tỏi ở Hà Đông (Hà Nội), giá một hộp tỏi đen 500gram chỉ 550.000 đồng. Đơn vị này cũng rao, đây là tỏi đen cô đơn Lý Sơn, lên men 100% tự nhiên, không chất phụ gia, không chất bảo quản, không màu thực phẩm. Nếu khách mua số lượng lớn thì cửa hàng sẽ giảm thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg. Giải thích lý do vì sao có giá rẻ, chủ cơ sở cho biết nhờ lấy được giá nguyên liệu rẻ. Bên cạnh việc bán tỏi đen cô đơn gắn mác Lý Sơn, cửa hàng này còn bán tỏi đen nhiều nhánh với giá 450.000 đồng/kg, giao hàng miễn phí.
 
Tuy nhiên, đại diện Công ty Hải đảo Lý Sơn (đóng tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - đơn vị chuyên cung cấp tỏi Lý Sơn cho biết, vì thương hiệu tỏi đen Lý Sơn nổi tiếng thế nên hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh lạm dụng để quảng cáo cho người mua. Tuy nhiên, nguồn gốc thường không rõ ràng và chất lượng thiếu đảm bảo. Vì nguồn tỏi, đặc biệt là tỏi cô đơn Lý Sơn hiếm, giá lại cao nên nhiều đơn vị đã sử dụng nguồn tỏi Trung Quốc, Phú Yên, Phan Rang và gắn mác Lý Sơn để dễ bán hàng.
 
“Để có 1kg tỏi khô cần đến gần 2kg tỏi tươi. Trong khi đó, giá tỏi cô đơn nguyên liệu đã gần 1 triệu đồng/kg nên giá bán thường 3 triệu đồng/kg tỏi đen cô đơn Lý Sơn, mà hàng rất khan hiếm. Do vậy, việc bán tỏi đen cô đơn Lý Sơn với giá vài trăm nghìn đến triệu đồng/kg thì cần kiểm định lại nguồn gốc”.
 
Được biết, hiện giá tỏi cô đơn Phú Yên, Phan Rang chỉ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg trong khi tỏi cô đơn Lý Sơn 1-1,2 triệu đồng/kg. Còn tỏi cô đơn Trung Quốc bán nhiều trên thị trường thì có giá 60.000-100.000 đồng/kg.
 
Giải cứu “vàng trắng”
 
Trong khi rất nhiều cơ sở kinh doanh tỏi đen khẳng định sản phẩm của mình làm từ tỏi Lý Sơn chính hiệu, thì chính quyền huyện Lý Sơn lại cho biết, lượng tỏi đen trên địa bàn không nhiều, chỉ đạt khoảng 2.000 tấn/năm, đặc biệt là tỏi cô đơn rất ít, chỉ khoảng 1,5 tấn/năm. Sản lượng đó không đủ để cung cấp cho các đơn vị làm tỏi đen sản xuất trong một năm.
img_8600.jpg
Người nông dân Lý Sơn "khóc ròng" vì thứ "vàng trắng"
nay phải giải cứu

 

Và một điều trớ trêu, mặc dù sản lượng tỏi Lý Sơn rất ít nhưng hiện thứ được ví quý như "vàng trắng" ấy lại đang trong tình trạng phải “giải cứu”. Ông Nguyễn Văn Định - Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất & Kinh doanh hành tỏi Lý Sơn cho biết, hiện lượng tỏi tồn dư trong dân còn khoảng 200 tấn. Theo ông Định, nguyên nhân là do ngoài chuyện người dân trên đảo có thói quen trữ tỏi để cuối năm bán thì các địa phương trồng tỏi khác năm nay được mùa, đặc biệt là tỏi Ninh Hiển (Khánh Hòa). Thêm nữa, tình trạng giả mạo thương hiệu cũng là một phần nguyên nhân khiến tỏi Lý Sơn rớt giá, tồn đọng nhiều.
 
Hiện ngoài Hiệp hội Hành tỏi Lý Sơn và hệ thống siêu thị Co.op Mart mua hàng trực tiếp của người dân để cung ứng ra thị trường, số tỏi còn lại (rất ít) được nông dân bán cho thương lái hoặc du khách. Vì vậy, việc các cửa hàng kinh doanh quảng cáo tràn lan về nguồn gốc tỏi Lý Sơn là không có.
 
Mặc dù nhiều loại tỏi trên thị trường đang "giả danh" tỏi Lý Sơn nhưng cơ quan chức năng lại khó có thể xử phạt là bởi, theo bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, đến nay, loại tỏi Lý Sơn vẫn chưa in được nhãn hiệu, logo, tem chống giả, dù đã hơn 9 năm được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - công nghệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể. Hiện chỉ một vài cơ sở trên đảo tự in bao bì, nhãn mác nhưng mang tính nhỏ lẻ. Thậm chí, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn để làm căn cứ truy xuất nguồn gốc còn đang xúc tiến. "Chúng tôi phấn đấu trong năm 2019 sẽ ra được chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn" - bà Hương nói.
 
Vì thế, dù tỏi Lý Sơn được trồng ở thổ nhưỡng đặc biệt và thơm ngon, chất lượng hơn những nơi khác nhưng cũng khó lòng cạnh tranh với những loại tỏi trong, ngoài nước tràn ngập thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều.
 

Tỏi cô đơn Lý Sơn màu trắng, bằng đầu ngón tay út, hình bầu dục chứa nhiều tinh dầu nên ăn vào có vị cay thơm mà không gây hôi miệng như tỏi ở nhiều vùng miền khác.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm