pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoa nở trên chiến trường xưa
Ảnh minh họa
Bà Thạch quê gốc ở xã Nga Bạch (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong trí nhớ của bà, khoảng đầu năm 1953, phong trào chi viện cho tiền tuyến ở xã Nga Bạch rầm rộ lắm. Nhà nhà hối hả gom thóc, xay giã, dần, sàng, đóng gạo vào xe thồ để vận chuyển lên Chiến trường Điện Biên Phủ.
Lớn lên giữa lúc nước nhà bị xâm lược, bà Thạch ước bản thân được góp mặt trong đoàn người đang hừng hực khí thế kia. Thế rồi, khi chính quyền có đợt tổng động viên, bà là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia đoàn dân công.
Theo đoàn dân công hỏa tuyến tải lương lên Chiến trường Điện Biên Phủ, bà Thạch phải di chuyển qua nhiều cung đường để tránh sự phát hiện của mật thám và máy bay địch.
"Lúc đó, trong đội dân công, dù đi đâu chúng tôi cũng luôn mang theo một con dao và chiếc xẻng, dùng để phát cây rừng và đào hầm trú ẩn. Mỗi lần đào hầm, chúng tôi phải buộc 2 ống quần lại rồi cho đất vào đó đem đi thật xa để đổ, tránh bị địch phát hiện. Còn địch thì giăng bẫy ở khắp nơi, phát hiện bất cứ chỗ nào khả nghi là chúng bắn pháo sáng, thả bom", bà Thạch nhớ lại.
Gian khổ, hiểm nguy là thế nhưng không thể làm cho bà Thạch cùng đồng đội chùn bước. Bởi tất cả đều nghĩ, phía trước là những trận đánh ác liệt, nhiều người bị thương, nhiều người đói lả vì thiếu lương thực, vũ khí và không đủ súng, đạn để công phá đồn giặc, rất cần được chi viện. Tiếng gọi tiền tuyến ấy đã thôi thúc bước chân của những nữ dân quân nhanh hơn, vội vã hơn.
"Đến khi nghe tin chiến dịch thành công, toàn thắng về quân ta, chúng tôi ai cũng vui mừng, có những người không giấu được nước mắt đã bật khóc nức nở", bà Thạch hồi tưởng.
Dòng chảy thời gian có thể cuốn đi dấu vết chiến tranh nhưng không thể xóa mờ niềm tự hào về những chiến công hiển hách trong cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm.
Với bà Trần Thị Nhĩ (SN 1936, trú tại Tổ 10, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên), một cựu thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch năm đó, cứ đến thời điểm cận Ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Nhĩ lại cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại những năm tháng gian khổ nhưng oanh liệt đã qua.
Nhiệm vụ của bà Nhĩ và đồng đội khi ấy là làm đường, vận chuyển gạo và vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu "thanh niên xung phong có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc", "không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày", cứ sau mỗi trận địch đánh phá, các thành viên trong đội thanh niên xung phong quyết tâm thông đường sau 2 tiếng đồng hồ để thông xe đưa hàng ra mặt trận.
"Đội chúng tôi khi ấy có khoảng 10 người. Trong đó, một người mắt tinh nhất được giao nhiệm vụ quan sát đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi cắm tiêu đánh dấu để đội phá bom đến phá.
Với những đoạn đường địch rải bom, khi vắng bóng máy bay địch là chúng tôi phải lấp hố bom để thông đường. Công việc diễn ra rất khẩn trương. Nghe tiếng máy bay địch đến thì mọi người lại chạy vào hầm để ẩn nấp", bà Nhĩ nhớ lại.
Những tháng ngày phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Nhĩ và đồng đội đã không ít lần phải đối diện với hiểm nguy nhưng bằng ý chí quật cường, đội của bà Nhĩ luôn hoàn thành nhiệm vụ thông đường cho xe qua.
Tiếp nối những giá trị truyền thống
70 năm sau chiến thắng vang dội ấy, nơi chiến trường năm xưa, hoa vẫn nở bên họng pháo. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nêu cao truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả chiến tranh để đưa Ðiện Biên trở thành điểm sáng trên con đường đổi mới nơi cực Tây của Tổ quốc.
Trong năm 2022, Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, xếp 24/63 tỉnh, thành trong cả nước - là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang.
Chung tay góp sức làm nên sự "thay da đổi thịt" của tỉnh Điện Biên hôm nay là những người phụ nữ nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, luôn nỗ lực phấn đấu, tham gia công tác quản lý nhà nước, kinh doanh làm kinh tế giỏi, phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới.
Chị Vàng Thị Sua, Chủ tịch Hội LHPN xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) là một trong những tấm gương như thế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có 99% là đồng bào dân tộc Mông, chị Sua hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây.
Với suy nghĩ "ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội", chị Sua thường xuyên bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển kinh tế.
Trên cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Sua đã cùng với Ban Chấp hành Hội LHPN xã tăng cường tuyên truyền, đến từng gia đình hội viên, để chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm kinh tế.
Hay như chị Hạng Thị Sú, một tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Năm 2016, chị Sú đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa).
Trong thời gian công tác, chị đã tham mưu với chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ trong xã vươn lên thoát nghèo; vận động chị em thực hành tiết kiệm, số tiền tiết kiệm được đã giúp 175 hội viên, phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, chị còn vận động chị em đóng góp 400 ngày công làm đường.
Theo bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống, vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, các cấp Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã có nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng, giúp chị em làm tốt vai trò chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, quan tâm đến cộng đồng, xã hội.