pnvnonline@phunuvietnam.vn
Họa sĩ cưới được người trong mộng nhờ bức tranh treo trước cửa tiệm
Tranh tiên nữ dưới nét vẽ của Hoàng Thận. Nguồn: Sohu
“Bát quái Dương Châu” là tên gọi của một nhóm hoạ sĩ Trung Quốc dưới thời nhà Thanh, họ tuy có xuất thân từ nhiều nơi khác nhau nhưng chủ yếu sinh sống và sáng tác tại Dương Châu. Các hoạ sĩ trong nhóm có một điểm chung là đều giỏi thi, thư, hoạ và đem cả ba yếu tố này thể hiện một cách hoàn mỹ trong các tác phẩm.
Trong “Bát quái Dương Châu”, Hoàng Thận là một cái tên nổi bật vì không có xuất thân quan nhân áo vải như các hoạ sĩ cùng thời. Ông sinh ra tại huyện Ninh Hoá, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc trong một gia đình nghèo khó, tuy không có điều kiện đi học nhưng ông luôn nỗ lực tự tìm tòi, một lòng theo nghề cầm cọ mà thành danh.
Hoàng Thận có tài năng xuất chúng trong việc vẽ chân dung người. Đối tượng trong tranh của ông vô cùng phong phú, từ các vị thần tiên hay nhân vật lịch sử đến những người dân bình dị như tiều phu, ngư dân, ăn mày... Ngoài ra ông cũng có sở trường trong việc vẽ cảnh vật, núi non, sông nước.
Bức tranh “Quả lão tiên cô” của Hoàng Thận. Nguồn: Baidu
Tranh của Hoàng Thận, đặc biệt là các bức chấm bút truyền thần, đều khắc họa các nhân vật mang vẻ hung hãn, thô lỗ và kỳ dị, thậm chí có những nhân vật được người đời ví với hình dạng quái thú.
Nhân vật dữ dằn là vậy nhưng vị họa sĩ họ Hoàng vốn có trái tim thương cảm sâu sắc với cuộc đời con người. Dương Châu, nơi tác giả sống, vốn là địa phương gần biên giới thuận lợi trong việc giao thương và giao lưu văn hoá. Thế nhưng nơi này lại chứng kiện tình cảnh nhiễu loạn nhiều bất công, người giàu cậy thế ức hiếp người nghèo. Hội hoạ của Hoàng Thận vì thế vừa mang tính mới mẻ, tự do của thời kỳ mở cửa, vừa là tấm gương phản ánh thực trạng xã hội.
Bức tranh “Phong tăng”. Nguồn: Baidu
Bức tranh “Lý thiết quải”. Nguồn: Baidu
Hoàng Thận để lại cho hậu thế nhiều bức tranh nổi tiếng song nổi bật hơn cả là một bức vẽ đã trở thành giai thoại.
Bức họa mô tả một nàng tiên xinh đẹp được treo trước cửa tiệm tranh của Hoàng Thận. Nhiều người mê mẩn bức tranh nhưng cho dù ra giá bao nhiêu họa sĩ cũng không đồng ý bán. Mức giá người mua đưa ra ngày một tăng lên nhưng không ai có thể sở hữu bức tranh. Ai nấy đều thấy lạ lùng và tò mò nguyên nhân Hoàng Thận kiên trì giữ bức vẽ.
Một thương nhân buôn muối vốn là bạn của Hoàng Thận đã "nhìn trúng" bức tranh, sau nhiều lần hỏi mua không được liền mời ông một bữa rượu để thăm dò tình hình. Hoàng Thận lúc này nhân cuộc rượu, mượn cớ uống say liền bày tỏ nỗi lòng của mình với bạn.
Hoá ra, trong một lần đến nhà bạn thương nhân uống rượu, ông đã gặp được một cô gái xinh đẹp, thanh tao. Vẻ đẹp động lòng người của cô gái khiến ông vừa gặp đã yêu, một lòng muốn cưới cô về làm vợ. Thế nhưng với hoàn cảnh nghèo khó của Hoàng Thận lúc bấy giờ, lấy được nàng làm vợ là điều bất khả thi nên ông đành dựa vào chút tài năng của mình để tìm cơ hội.
Ông dùng hình mẫu người trong mộng, cẩn thận vẽ nên một bức tranh tiên nữ tuyệt sắc, sau đó treo trước cửa tiệm của mình với mục đích “mượn tay” người bạn của mình để lấy vợ.
Hình ảnh mỹ nhân trong tranh của Hoàng Thận. Nguồn: Sohu
Khi được người bạn thương nhân hỏi thăm, ông mới kể lại câu chuyện si tình của mình với cô gái, tỏ rõ ý sẽ không bán đi bức tranh vì còn đang tương tư nàng. Vị thương nhân nghe xong câu chuyện vừa bồi hồi, xúc động lại vừa buồn cười. Anh ta hứa sẽ tìm cách để giúp người bạn cưới được vợ.
Chỉ sau mấy ngày, vị thương nhân quả thực đã giúp Hoàng Thận hỏi cưới được cô gái trong mộng. Bức tranh tiên nữ sau đó được tặng lại ngay cho vị này. Như vậy, chỉ với một bức tranh và một chút tài trí, Hoàng Thận đã đưa được người trong mộng về nhà.
Câu chuyện về bức tranh phần nào đã phản ánh cả tài năng và trí tuệ của Hoàng Thận, càng củng cố hơn danh xưng “thiên tài trong các thiên tài” của vị hoạ sĩ này.