Hoài niệm băng cassette

Minh Ngọc
11/04/2022 - 15:47
Hoài niệm băng cassette

Băng cassette

Tôi thích nghe băng cassette từ năm 4 tuổi và đến nay, sau hơn 30 năm vẫn chưa bao giờ chán nó. Băng cassette thuộc về thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước - giai đoạn mà khi nhắc tới, nhiều người sẽ hình dung ra ánh đèn neon nhấp nháy, nhạc disco, áo thun và quần jeans ống rộng…

Cái hay của việc nghe băng cassette là mỗi cuốn băng có hai mặt, bạn có thể tua đến bài hát mình yêu thích nhưng sẽ không bao giờ biết được mình dừng lại có chính xác đoạn băng bắt đầu của bài hát ấy không. Đôi khi, bạn nhấn dừng và bật lên thì đó là ở phần cuối một bản nhạc khác, hoặc đã tua qua mất vài giây của ca khúc mình yêu thích. Khác với đĩa CD hay sau này là các nền tảng âm nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Tidal… đưa bạn đến chính xác bài hát cần tìm và cần nghe ngay, băng cassette luôn mang tính tương đối và buộc chúng ta phải kiên nhẫn khi thưởng thức.

Trong thế giới nghe - nhìn hiện đại, công nghệ ngày càng tân tiến tới mức hoàn hảo và đưa con người vượt xa khỏi những giới hạn. So một bộ phim chiếu rạp ngày nay với một bộ phim nhựa ngày xưa là đủ thấy chất lượng hình ảnh có sự khác biệt ra sao. Những bộ loa dàn hiện đại với chất lượng âm thanh digital rõ tới từng chi tiết nhỏ cho thấy bước tiến vượt trội so với âm thanh analog của đài cassette.

Nhưng thi thoảng, tôi vẫn nhớ giai đoạn ngày trước, thời kỳ của băng đĩa, khi mọi thứ chưa được số hóa. Cái cảm giác khi nghe nhạc, xem phim lúc đó cũng rất khác.

Cứ đến cuối năm, tôi đạp xe lên những cửa hàng băng đĩa để cập nhật xem có bộ phim nào vừa ra, album nhạc nào mới để tìm mua. Dù phần lớn đều là đồ lậu in sao trái phép, khoảnh khắc sung sướng nhất là khi trở về nhà, lột vỏ những cuốn băng, những chiếc đĩa CD, VCD hay DVD vừa mua, hít hà mùi giấy mới cũng như mùi vỏ nhựa và thưởng thức chúng.

Cái cảm giác đó, những người cùng thế hệ tôi vẫn hay gọi là "thần thánh".

Cũng có một thời người ta tặng nhau những chiếc đĩa nhạc, những cuốn băng cassette như một món quà đủ sức gây bất ngờ và đem lại niềm vui diệu kỳ. Tôi vẫn còn giữ chiếc CD đầu tiên mà một lần nhìn thấy nó là nhớ về hình ảnh ngày mùa thu nắng vàng trong dịp khai giảng năm lớp 7. Trở lại trường sau một mùa hè không gặp nhau, tôi cùng những thằng bạn thân góp tiền và đạp xe đi mua chiếc đĩa của ban nhạc mà tất cả cùng yêu thích rồi về chuyền tay nhau nghe chung. Khi đến tay đứa cuối cùng trong nhóm, chiếc đĩa đã hơi xước nhưng vẫn được nâng niu. Ngày nay, chúng ta vẫn nghe chung, xem chung nhưng là những đường link được chia sẻ từ người này sang người khác.

Trong nhiều năm liền, tôi mua hàng trăm chiếc DVD phim và có nguyên một tủ trong phòng để bày chúng, ở vị trí trang trọng nhất. Nhưng theo thời gian, đầu chạy đĩa đã hỏng. Phim xem ở rạp hay trên các nền tảng trực tuyến có chất lượng cao hơn hẳn. Nhiều bộ phim nổi tiếng cũng được phục dựng với chất lượng hình ảnh, âm thanh sắc nét hơn. Và rồi đích đến của những chiếc DVD là bị gói lại, cho vào thùng carton và tống vào nhà kho sau một lần dọn nhà. Từ khi không còn công cụ để chay đĩa, những chiếc DVD ấy chỉ còn tác dụng trưng bày nhiều hơn là xem nội dung bên trong.

Những món đồ công nghệ trở nên cũ khi chúng tự đào thải chính mình trong sự phát triển không ngừng của thời đại. Khi một món đồ đã tạo ra được niềm vui lúc mới xuất hiện, cảm xúc chúng ta dành cho nó có thể qua đi trong thời gian rất ngắn nhưng sẽ ở lại mãi mãi, trong những câu chuyện của "ngày trước".

Người ta vẫn nhớ về thứ mà họ muốn nhớ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm