Hoài niệm thủ đô thời mũ rơm và tem phiếu

30/09/2019 - 15:07
‘Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu’ là tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2019, nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của nhà văn Trung Sỹ.

Vào 16h ngày 2/10, tại sân khấu chính của Hội sách Hà Nội 2019 sẽ diễn ra tọa đàm Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu nhân dịp ra mắt tác phẩm của nhà văn Trung Sỹ. Cùng với tác giả Trung Sỹ, khách mời trò chuyện trong chương trình còn có nhà văn Phạm Ngọc Tiến, ông Phan Vi Long - cháu Tổng đốc Vi Văn Định, nguyên là người lính pháo cao xạ 100mm.

Song song với sự phát triển như vũ bão của Hà Nội, con người ta lại có xu hướng hoài cổ hơn, hay nhớ về những thứ đã cũ, đã qua hơn. Những tác phẩm về thời bao cấp ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là một trong những cuốn sách như thế.

Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là cuốn hồi ký ghi lại những kỷ niệm của tác giả Trung Sỹ từ khi còn là một cậu bé Hà Nội cũ, chứng kiến đất nước chuyển mình qua từng giai đoạn, từng cột mốc. 

Bìa cuốn Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu
 

Bằng giọng văn chân chất, trào phúng của mình, tác giả gom góp lại ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ, viết lại những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm, nỗi khó hiểu cho những chiếc tem phiếu và những người lạ đến ở nhà mình. Thành phố từng vất vả, ngây thơ và ấu trĩ bởi những sai lầm nhưng vẫn lấp lánh tình người dù xung quanh còn nhiều nỗi lo toan, hoài nghi, trăn trở về thế sự. 

Trên từng trang viết, Hà Nội của Trung Sỹ hiện ra không lấp lánh hoa lệ hay lãng mạn tình tứ. Có một Hà Nội khác thật hơn bởi những khó khăn, lầm than cơ cực ngày ấy. Ở đó, Hà Nội là những ngày sau giải phóng miền Bắc, mọi người trở về từ nơi sơ tán với niềm hân hoan cùng nỗi lo toan xây dựng lại cuộc sống cũ. Nhưng chẳng lâu sau, lại dắt díu nhau đi sơ tán khỏi các trận địch tái bắn phá. Đám trẻ ngồi dưới gầm cầu thang ôm đầu sợ hãi, đợi tiếng máy bay địch đã khuất xa.

Hà Nội trong tuổi thơ của những đứa trẻ 6x khi ấy là các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Mái tóc phi-dê của mẹ và căn gác nơi bà nội làm việc có một mùi giấy mốc kỳ lạ. Hà Nội không phải với 36 phố phường sầm uất nơi kinh kỳ, mà là xưởng làm mì gia công “100 cân bột thì nhận 94 cân mì sợi. Có lẽ vì dính mồ hôi con người mà các sợi mì gia công có vẻ dai và mặn hơn các sợi mì nhà nước.” 

Tuổi thơ của Trung Sỹ trong Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu quả thật gắn với tem phiếu, với phiếu gạo phiếu dầu mẹ phải đong đếm từng chút một. Với mũ rơm tránh đạn khi về quê sơ tán, cũng là chiếc mũ rơm hôm qua vẫn thấy bạn cùng bàn mình đội, mà hôm nay đã nghe tin nó dẫm phải mìn sẽ không về nữa.

Tuổi thơ của Trung Sỹ trong cuốn hồi ký được kể lại bằng một giọng bình tĩnh nhưng ẩn chứa bên trong là nỗi đau buồn tiếc nuối cho những năm tháng và phận người ấy. Không những vậy, tuổi thơ của Trung Sỹ cũng chính là những niềm băn khoăn của một đứa trẻ trong gia đình tư sản dân tộc cũ về thời thế, xã hội khi ấy. 

Vẫn là kết cấu dòng thời gian quen thuộc, tác giả bằng trái tim đong đầy tình yêu với mảnh đất này đã vẽ ra một Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước rất chân thực, rất đẹp. Chân thực đến nỗi người đọc bất ngờ  bật cười bởi sự trào phúng, mỉa mai ở trang trước, thì ngay trang viết sau lại có thể lắng đọng bởi sự duyên dáng, hóm hỉnh đến kỳ lạ về thời thế và con người khi ấy. 

Chân dung nhà văn Trung Sỹ qua nét vẽ của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường 
 

Dường như khi mọi thứ phát triển hơn, người ta lại hay tìm về những cái xưa cũ. Nhưng có nhiều điều xưa cũ về Hà Nội bị chê là nhàm chán, thì qua từng câu chữ của Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, tác giả Trung Sỹ đã mở ra cho người đọc cả một cánh cửa đến với Hà Nội rất khác. Hà Nội vẫn đong đầy lòng người, nhưng Hà Nội vất vả hơn, lầm than hơn, khó nhọc hơn, và cũng nhiều điều vương vấn hơn. 

 

Tác giả Trung Sỹ tên thật là: Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình tư sản dân tộc, viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trung học năm 1978, ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1978 đến 1983. Giải ngũ về công tác tại Công ty Vinaconex cho đến khi nghỉ hưu. Trước Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, ông đã xuất bản cuốn Chuyện lính Tây Nam.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm