Học 4 nguyên tắc dạy con của tỉ phú công nghệ Bill Gates

02/07/2018 - 22:00
Không ít người ngạc nhiên, dù được mệnh danh là “ông trùm” ngành công nghệ thông tin, doanh nhân thành đạt và giàu có nhất trên thế giới nhưng Bill Gates lại không dùng công nghệ để dạy con. Hãy cùng tìm hiểu cái được, cái mất khi thả lỏng con với điện thoại, iPad để các mẹ có được sự lựa chọn phương pháp dạy con tốt nhất.

4 nguyên tắc vàng 

Theo chia sẻ của Bill Gates trong một bài phỏng vấn trên trang Mirror, cha mẹ không nên cho trẻ sở hữu điện thoại thông minh ít nhất cho đến khi chúng 14 tuổi. Để minh chứng cho quan điểm của mình, Bill Gates và vợ mình là bà Melinda, đã thực hiện nuôi dạy cả 3 con (Jennifer sinh năm 1996, Rory sinh năm 1999 và Phoebe sinh năm 2002) với 4 nguyên tắc “vàng” như sau:

a7cd1685-6437-49a8-a9ab-d73aee06b3ac_43.jpg
Gia đình tỷ phú Bill Gates

 

1. Không cho phép các con sở hữu điện thoại di động cho đến khi 14 tuổi.

2. Hạn chế thời gian tiếp xúc với tivi, điện thoại, iPad... thay vào đó là các hoạt động tương tác cùng cả gia đình.

3.Không sử dụng điện thoại trong giờ ăn.

4. Quy định khung giờ xem tivi, điện thoại và khi hết giờ thì để các con tự giác đi ngủ.

 

Bill Gates cho biết, gia đình ông không dùng điện thoại di động trong bữa ăn, các con ông cũng không được phép sở hữu điện thoại riêng cho đến khi 14 tuổi. Mặc dù các con cũng thỉnh thoảng phàn nàn với vợ chồng ông là bạn chúng vẫn được cha mẹ cho điện thoại riêng trước đó song ông không vì thế mà nới lỏng nguyên tắc của mình.

 

“Người lớn thường chỉ nghĩ đến những lợi ích to lớn thiết bị điện tử mang lại mà lại không để ý đến những tác hại con trẻ có thể gặp phải nếu tiếp xúc quá sớm và quá nhiều”, ông cho biết. Thông qua việc đặt ra các quy tắc và ranh giới, tỷ phú công nghệ cũng muốn dạy con rằng không phải lúc nào trẻ cũng có được thứ mình muốn. Và nhờ đó, các con cũng học được tính kiên nhẫn và cảm giác hài lòng.

 

5 nguy cơ trẻ phải đối mặt 

1. Trẻ xem điện thoại và truy cập Internet có nguy cơ tiếp cận những trang web với nội dung xấu, độc hại, thậm chí là nguy hiểm. Có rất nhiều mối đe dọa trực tuyến mà cha mẹ không lường hết được như dụ dỗ, bắt nạt, kích động trẻ tham gia các trò chơi mạo hiểm...

 

2. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiếp xúc nhiều với màn hình các thiết bị công nghệ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ.

 

3. Một tác động xấu nữa đó là khiến trẻ trở nên lười biếng. Ví dụ, khi trẻ lắng nghe mẹ nói hoặc kể chuyện, trẻ phải vận dụng tất cả các giác quan và trí tưởng tượng để hình dung và hiểu cốt chuyện. Nhưng điện thoại thông minh sẽ thay bé làm việc này, dẫn đến sự lười biếng cả về thể chất lẫn suy nghĩ.

 

4. Nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển các kĩ năng mềm, giao lưu xã hội của trẻ là có thật. Trẻ khó tìm được những người bạn thực sự cho mình.

 

5. Tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử sẽ gây nghiện và tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến trẻ không chỉ tại thời điểm đó mà còn về lâu dài khi trẻ trưởng thành sau này.

Công bằng mà nói, thiết bị điện tử không hoàn toàn là xấu. Có rất nhiều ứng dụng hay và bổ ích cho trẻ như các trò chơi giáo dục, bài hát và câu chuyện bổ ích cho sự phát triển của con mà bố mẹ có thể tìm và cho trẻ tiếp cận. Nhưng cha mẹ hãy nhớ luôn kiểm soát và điều chỉnh sao cho phù hợp với lứa tuổi của con mình để hạn chế những tác động xấu có thể gặp phải.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm