Giáo dục

Học phí đại học tăng cao, phụ huynh "trở tay không kịp", sinh viên chạy Grab kiếm thêm

Thùy Dung - Trà My 07/07/2022 - 06:31 AM
Hàng loạt các trường đại học công bố mức học phí năm 2022 sẽ tăng mạnh, thậm chí tăng gấp 2, gấp 3 lần. Điều này khiến rất nhiều sinh viên, phụ huynh lo lắng vì "trở tay không kịp".

Gia đình anh Đào Văn Bạch (Tiên Du, Bắc Ninh) đứng ngồi không yên dạo gần đây khi nghe tin tăng học phí tăng. Hiện tại cuộc sống của cả gia đình 5 người (2 vợ chồng anh và 3 con) trông vào quán tạp hóa nhỏ của vợ và công việc nhà máy của anh.

Mỗi tháng, tiền học của các con lên đến 7-8 triệu đồng, chưa kể tiền học thêm, tiền sinh hoạt hàng ngày và hàng loạt khoản tiền khác. Anh chị chẳng dành dụm được là bao.

"Nói thật thì thời gian này cái gì cũng tăng, vợ chồng tôi luôn phải cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý. Cái gì không cần thiết thì không chi tiêu quá nhiều. Cấp nào cũng tăng học phí chóng mặt thì những gia đình không mấy khá giá như gia đình tôi làm sao trở tay kịp. Bí quá thì chúng tôi còn cách vay vốn ngân hàng chính sách. Đợi đứa đầu học xong đại học, có công ăn việc làm ổn định rồi trả dần", anh Bạch chia sẻ.

Học phí đại học tăng cao: Tăng "gánh nặng" cho phụ huynh và sinh viên - Ảnh 1.

Đào Thị Hà sinh viên năm 3 (con gái lớn của anh Bạch) cũng trăn trở về vấn đề này. Với Hà, điều quan tâm nhất lúc này là làm sao giúp bố mẹ bớt gánh nặng.

Học phí thì tăng theo từng năm, mình cũng đã đi làm thêm. Tuy nhiên còn rất nhiều khoản chi phí cần phải bỏ ra khi sinh sống và học tập ở Hà Nội. Áp lực kinh tế không chỉ của ba mẹ, mà là của chính bản thân mình. Vì vậy mình mong muốn, việc tăng học phí của các trường có thể được xem xét. Vì áp lực này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn đến sức khỏe của mình, một khoản học phí nhỏ, nhưng là một sự áp lực to lớn đến với mình" - Hà cho biết

Học phí đại học tăng cao: Tăng "gánh nặng" cho phụ huynh và sinh viên - Ảnh 2.

Học phí tăng khiến Nguyễn Tùng Dương ở lại Hà Nội chạy Grab để san sẻ gánh nặng với bố mẹ

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Tùng Dương (sinh viên năm thứ 3, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng tăng học phí là chuyện không thể thay đổi. Cậu vẫn ngày ngày chạy Grab để kiếm thêm thu nhập trong dịp hè. Dù biết tính chất công việc rất vất vả, song với Dương, đây là cơ hội tốt nhất để giảm bớt gánh nặng học phí cho mình và cả gia đình.

"Thực sự mình cảm thấy rất buồn và sốc khi nghe nhà trường thông báo tăng học phí. Ban đầu khi thi vào trường mình đã tìm hiểu rất kỹ về học phí và cảm thấy mình và gia đình có thể trang trải được. Nhưng không nghĩ năm nay lại tăng cao đến như thế. Vậy nên hè này mình quyết định không về quê, mà ở lại Hà Nội chạy Grab, cũng để đỡ phần nào cho học phí kỳ tới. Nhưng về lâu về dài, khi vào năm học mình sẽ tìm một công việc liên quan đến chuyên ngành. Vì mình nghĩ đây sẽ là công việc đem lại thu nhập ổn định".

Được biết, học phí sắp tới của ngôi trường Dương đang theo học sẽ tăng gấp 2,26 lần một tín chỉ. Áp lực kinh tế, tiền học, tiền nhà, tiền sinh hoạt khiến gánh nặng với cậu tăng lên gấp bội. Trước đó, Dương vẫn chăm chỉ đi làm thêm từ năm thứ nhất, tự chủ tài chính cho sinh hoạt của mình. Hàng tháng, khoản sinh hoạt của Dương khoảng 3 triệu đồng, có dư ra cũng tích cóp vào tiền học hoặc gửi về cho mẹ.

"Mẹ mình cũng biết được thông tin tăng học phí qua mạng, gọi điện bảo mình không cần lo lắng, yên tâm học, bố mẹ sẽ lo được. Mình cũng không dám bảo mẹ là đi chạy Grab, sợ mẹ lo lắng. Mình chỉ nghĩ là phụ giúp được bố mẹ chừng nào hay chừng ấy, không muốn để bố mẹ bận tâm nhiều. Còn em mình sắp tới vào năm học cũng nhiều khoản phải lo", Tùng Dương buồn bã tâm sự.

Thùy Dung - Trà My (thực hiện)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn