Tăng học phí sai thời điểm khiến nhiều phụ huynh lo lắng

Bài, ảnh: Hà Lê
08/06/2022 - 16:59
Tăng học phí sai thời điểm khiến nhiều phụ huynh lo lắng

Tăng học phí cần cân nhắc đến lộ trình, thời điểm triển khai. Ảnh minh họa

Hà Nội, TPHCM là các địa phương dự kiến tăng học phí mầm non, phổ thông trong năm học tới. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi đây là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Theo dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức học phí THCS sẽ từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng, gấp khoảng 2 lần mức đang áp dụng (19.000-155.000 đồng), hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.

Trước đây, Hà Nội chia thành 3 vùng, gồm: Thành thị, nông thôn và miền núi để tính mức thu học phí. Nhưng sắp tới sẽ chia 4 vùng. Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại, các xã miền núi được xếp vào vùng 4. Theo đó, các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng/tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).

Dự kiến tăng cao gấp đôi, gấp 4-5 lần thì thực sự không ổn, nhất là ở thời điểm này. Bởi học phí phải căn cứ vào mức thu nhập bình quân của người dân và cần lộ trình tăng từ từ”.

TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT

Mức dự kiến trên chỉ bằng mức sàn (thấp nhất) trong khung học phí mới tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhưng so với mức hiện hành thì vẫn tăng đáng kể.

Trước đó, TP.HCM cũng dự kiến mức thu học phí mới. Trong đó ở cấp THCS tăng gấp 5 lần, THPT tăng gấp hơn 2 lần so với mức hiện tại. Trước phản ứng của dư luận, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trần tình TP.HCM từng là địa phương đầu tiên đề nghị Chính phủ miễn học phí cho học sinh từ THCS trở xuống nhưng chưa được chấp thuận. Trong bối cảnh đó, thành phố buộc phải thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí và mức đề xuất là mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định này. Hiện UBND TP.HCM đang đề nghị HĐND thành phố có gói hỗ trợ học phí cho học sinh (dựa trên tình hình kinh tế địa phương), để cấp bù kinh phí cho các trường.

Không chỉ 2 thành phố lớn trên mà ở một số địa phương cũng đang xúc tiến việc đề xuất tăng học phí mầm non, phổ thông. Nhiều trường đại học cũng công bố tăng học phí ngay sau khi sinh viên trở lại trường sau đại dịch. Việc này đang tạo nên một xu thế tăng học phí vào cùng thời điểm, gây tâm lý lo ngại với nhiều phụ huynh khi người dân đang gặp khó khăn. Đặc biệt là ở TP.HCM và Hà Nội, nhiều người thất nghiệp, bị giảm việc, giảm thu nhập do dịch bệnh...

Cần giải pháp giảm "phụ phí" kèm theo

"Chọn thời điểm khi hậu quả của dịch Covid-19 còn ngổn ngang, học sinh, sinh viên vừa mới quay lại trường, là sai thời điểm. Người dân đang cần được chia sẻ khó khăn thay vì khiến cho gánh nặng tiền trường tăng thêm", anh Phan Văn Hà, một phụ huynh có hai con học THCS và THPT, chia sẻ.

Anh Hà cho biết, với 600.000 đồng học phí của hai con theo mức mới không phải gia đình anh không chi trả được. Nhưng việc tăng học phí, tăng giá các loại ở thời điểm này gây tâm lý hoang mang. Chưa kể nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự.

Bày tỏ quan điểm về học phí, nhiều bậc phụ huynh khác ở Hà Nội cũng mong muốn năm học 2022-2023 giữ nguyên mức học phí với lý do "trong 3 năm dịch Covid-19 thì thiệt hại của năm 2021 và nửa đầu năm 2022 nặng nề hơn, rất cần duy trì ổn định 1 năm học nữa". Cũng có nhiều phụ huynh đồng ý với mức tăng học phí theo lộ trình nhưng cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để ngăn chặn việc lạm thu tiền trường vào đầu năm học mới. Vì đây mới là những khoản thu "đánh gục" nhiều phụ huynh.

"Giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2-3 lần, cùng với đó là sách tham khảo, sách bổ trợ bị ép mua, gợi ý mua, tiền đồng phục, đồ dùng học tập và nhiều khoản ủng hộ nhà trường... Ước tính nhà có con học phổ thông ở các trường công lập tiền đóng góp đầu năm không dưới 2 triệu đồng, có khi tới 5-7 triệu đồng/học sinh. Đây là số tiền khiến nhiều phụ huynh lao đao, nhất là khi phải đóng gộp một lần", chị Thu Nga, phụ huynh học sinh trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội), phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các địa phương khi công bố việc tăng học phí cần xem xét các chương trình hỗ trợ, miễn giảm học phí hợp lý cho học sinh khó khăn. Đặc biệt là phải rà soát các khoản thu ngoài học phí, kiên quyết ngăn chặn việc thu núp dưới danh nghĩa tự nguyện và hướng dẫn các nhà trường chia các khoản thu vào các thời điểm khác nhau, tránh thu gộp một lần vào dịp đầu năm. Việc thu, chi, nhất là các khoản thu theo diện xã hội hoá, cần làm đúng quy định, quy trình, đảm bảo minh bạch, thu đủ chi và chi đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

"Việc tăng học phí không thể cào bằng giữa khu vực công và khu vực tư. Các trường công lập, đáp ứng yêu cầu giáo dục đại trà, trong đó có một bộ phận học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, bị ảnh hường nặng nề sau dịch Covid-19 nên việc tăng học phí cần cân nhắc đến lộ trình, thời điểm triển khai", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm