Học sinh bắt nạt bạn cũng là nạn nhân

04/03/2018 - 08:09
Trong các vụ bạo lực học đường, không chỉ nạn nhân- những đứa trẻ bị bắt nạt, bị đánh hội đồng mới bị ảnh hưởng tâm lý mà những đứa trẻ “đầu gấu” chuyên đi bắt nạt cũng phải nhận “bản án chung thân”.
hs_kien_giang_danh_nhau.jpg
Không chỉ có nạn nhân, những học sinh đi bắt nạt người khác cũng nhận "bản án chung thân". Ảnh minh họa

Giải thích về việc này, thạc sĩ Vũ Thu Hà (Phòng tâm lý học đường trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) kể: Trước đây, bạn nam lớp 9 chuyên đi bắt nạt các bạn khác và bạn nổi tiếng toàn trường, thậm chí cả ở bên ngoài vì độ đầu gấu của mình. Khi được hỏi tại sao lại đi đánh nhau và như thế làm sao có tương lai, bạn nam đó đã chia sẻ: Cô không hiểu, ở nhà, khi con bị ốm hay con gặp vấn đề gì đó, nếu con nói với bố mẹ thì sẽ nhận được câu trả lời rất phũ: Mày biết gì, đi ra chỗ khác. Thế nhưng, khi con nói với “đồng đội” thì chỉ 1 phút thôi là các bạn có thể đổ máu vì con. Con sẽ tham gia một nhóm bảo kê và có ai gọi thì sẽ đến trợ giúp. Sau lớp 9, cậu bé nghỉ học, đi theo nhóm bảo kê và đi đòi nợ thuê. Một thời gian sau, cậu bé này đã phải vào tù.

Trong một trường hợp khác, một nạn nhân của bạo lực học đường nói với bố về việc mình bị bắt nạt. Thay vì nhận được sự quan tâm của bố thì em chỉ nhận được lời nói móc: Con phải làm gì thì chúng mới đánh con chứ? Từ đó, khi có chuyện gì xảy ra em không bao giờ nói với bố. Khi đau đớn, con né tránh, xa rời với thực tế, thu mình, không nói chuyện với ai dẫn đến căng thẳng và trầm cảm. Giờ đây, khi phải đối mặt với vấn đề gì khó khăn, cơ thể con run lên. Hậu quả này không chỉ kéo dài 1 năm mà suốt cả cuộc đời.

Theo thạc sĩ Vũ Thu Hà, đó là những bản án chung thân với kẻ đi bắt nạt và nạn nhân mà không nhiều bố mẹ nhận ra. “Nó nhiều hơn những đau đớn mà chúng ta nhìn thấy ngay, hậu quả không chỉ là vài năm trưởng thành mà có thể là cả cuộc đời”.

Chính vì vậy, cha mẹ không thể coi nhẹ vấn đề bạo lực học đường mà cần quan sát, chia sẻ với con để biết con đang gặp khó khăn gì và cha mẹ phải cho con niềm tin rằng bố mẹ luôn đồng hành cùng con. Để tránh việc con bị “bản án chung thân” khi bạo lực học đường diễn ra, cha mẹ cần trang bị nội lực cho con. Một trong những nội lực rất quan trọng là đứa trẻ cảm thấy tự tin về những điểm mạnh của mình.

Chị Vũ Thu Hà nhấn mạnh, trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ cần tìm điểm mạnh của con và tôn điểm mạnh đó lên thường xuyên thì con sẽ mạnh lên rất nhiều. Tuy nhiên, văn hóa của chúng ta là chú ý quá nhiều điểm yếu của trẻ, soi và thúc vào điểm yếu đó để con thay đổi. Thực tế, chỉ với những đứa trẻ rất mạnh thì mới thay đổi được điểm yếu, còn những đứa trẻ không có khả năng đối mặt thì sẽ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, trầm cảm.

Vì vậy, cha mẹ đừng làm gì hạ thấp các con xuống, dè bỉu hành động mà các con gây ra là việc nên tránh tuyệt đối. Nguyên tắc là cha mẹ không bao giờ dựa vào điểm hạn chế để giáo dục đứa trẻ mà nên dựa vào điểm mạnh để giáo dục con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm