‘Học sinh giỏi là có thể vào thẳng đại học’

09/03/2017 - 06:30
Trước ý kiến lo ngại mở rộng đối tượng tuyển thẳng đại học dễ gây hổ lốn đầu vào, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ, cho rằng, những học sinh giỏi đã tốt nghiệp phổ thông là có thể vào thẳng đại học. Việc tuyển sinh nên trả về cho trường tự quyết.

Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, tự chủ đại học là xu thế chung theo phát triển giáo dục của thế giới. Trong đó, tự chủ trong vấn đề tuyển sinh cũng được khuyến khích tại nhiều trường, trên cơ sở tuân thủ đúng pháp luật.

“Điều kiện tiên quyết và làm cơ sở cho mọi đối tượng tuyển thẳng là học sinh phải tốt nghiệp THPT. Nếu tuyển đúng điều này thì làm đúng pháp luật. Bộ GD&ĐT đưa ra một số diện thí sinh được tuyển thẳng nhằm giảm nhẹ một phần sức ép cho học sinh và tỷ lệ cũng bị khống chế từ 5%-10%. Theo tôi, một học sinh có học lực giỏi thì hoàn toàn không cần bắt buộc em ấy đi thi nữa mà vẫn có thể vào thẳng ĐH”- ông Nhĩ nêu quan điểm.

Tán thành việc tự chủ đại học, trong đó có tự chủ trong tuyển sinh của các trường ĐH, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, điều quan trọng là quá trình đào tạo của các trường.

 Tuyển đầu vào theo quan điểm của ông Trần Xuân Nhĩ là không nên quá chặt. Ảnh: D.H.

Theo ông, tuyển đầu vào có thể dễ, nhưng trong quá trình đào tạo chắc chắn phải nghiêm khắc, đào tạo có chất lượng để đảm bảo thực chất về đầu ra.

“Đã đến lúc Bộ GD&ĐT nên thoáng hơn trong việc quản lý tuyển sinh của các trường, hạn chế việc can thiệp quá sâu vào chi tiết của các trường. Thay vào đó, Bộ nên quản lý tầm rộng hơn với các chế tài rõ ràng”. Cụ thể, theo ông Trần Xuân Nhĩ, để tránh tình trạng dễ dãi và hổ lốn trong tuyển chọn đầu vào, đặc biệt ngăn chặn tình trạng các trường “tốp” trên “vét” hết chỉ tiêu của trường tốp dưới, Bộ GD&ĐT cần quản lý đầu vào dựa theo nhu cầu xã hội để áp chỉ tiêu cụ thể cho từng trường.

Theo ông Nhĩ, vấn đề này đã nói từ lâu mà ngành giáo dục chưa làm được hoặc làm rồi nhưng chưa nghiêm. Đó là căn cứ vào nhu cầu nhân lực xã hội tùy theo biến động mỗi năm để giao chỉ tiêu cho các trường.

“Để kiểm soát chỉ tiêu, với các trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh, dứt khoát Bộ GD&ĐT phải có chế tài phạt thật nặng và nghiêm khắc. Dứt khoát cắt chỉ tiêu, không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào. Cách phạt nặng nhất là đánh vào chính “nồi cơm” của các trường!”- ông đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm