Con quá tải vì học thêm 5 môn
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, đến tháng 3/2019, Sở mới công bố môn thi thứ tư của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020. Đây được coi là cách thức chống học tủ, học lệch khi học sinh THCS có 11 môn học nhưng chỉ thi 4 môn.
Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, phương thức thi mới tăng số môn từ 2 lên 4. Số môn thi như vậy không phải là quá nhiều, không gây quá tải cho học sinh.
Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh, học sinh, điều này đang gây sức ép cho họ vì để chuẩn bị cho kỳ thi này, học sinh thay vì chỉ học thêm 2 môn Toán, Văn như các năm trước thì năm nay phải thêm hàng loạt môn khác. Việc học thêm tràn lan này khiến học sinh vô cùng mệt mỏi, áp lực.
Thời gian gần đây, chị Nguyễn Hương (có con học lớp 9 trường THCS Phương Mai, Hà Nội) thường bị cô giáo gọi điện phản ánh kết quả học tập của con giảm sút khi nhiều bài kiểm tra của con điểm không cao. Nghe cô giáo phàn nàn như vậy nhưng chị Hương không dám mắng mỏ con. Bởi là người mẹ, chứng kiến con học “quần quật” suốt ngày, chị không có cách nào ép con học thêm được nữa. Đến thời gian giải trí, nghỉ ngơi, chơi thể thao của con còn bị cắt hết, thời gian ngủ cũng bị rút ngắn lại. Thương con đến quặn ruột, chị không biết làm cách nào.
Chị Hương cho biết, ngày nào con cũng phải học 2-3 ca. Ngoài học thêm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, con phải học thêm Lý, Hóa. “Không chỉ con tôi học thêm nhiều như vậy mà đa phần các bạn trong lớp đều học thêm 4-5 môn. Có không ít bạn để chắc kiến thức hơn, ngoài học thêm giáo viên ở trường, các em còn tìm những giáo viên tốt bên ngoài học thêm và mức học phí không hề rẻ.
Ngoài 3 môn đã công bố ra, tôi cho con học thêm 2 môn Lý và Hóa bởi vì nếu không học từ đầu năm thì đến tháng 3 khi môn thi thứ 4 được công bố, các con có “vắt chân lên cổ cũng không chạy kịp” vì kiến thức của 2 môn học này là cả quá trình học tập.
Chính vì học thêm 5 môn, có những môn 2 buổi/tuần nên cả tuần con trai chị Hương kín mít lịch học, không có một ngày nào rảnh, kể cả cuối tuần. “Thương nhất là những hôm con học 3 ca. Buổi chiều con chỉ ăn quáng quàng cái bánh mì rồi đi xe đến lớp học thêm ca tối. 20g30, 21g về đến nhà con mới được ăn bữa tối. 1 ngày học quá mệt, nhìn con trệu trạo nhai cơm mà thương. Nhưng thế đã xong đâu, ăn xong con mới đi tắm rồi tiếp tục ngồi vào bàn làm bài tập cho ngày hôm sau. Hôm nào ít bài thì 23g30 con được đi ngủ, hôm nào nhiều bài hay có bài kiểm tra thì con phải thức khuya hơn. Có tới 11 môn học, môn nào cũng nhiều bài tập về nhà, không hiểu các con lấy sức và thời gian đâu mà hoàn thành. Thế nên, khi cô kêu con chưa học thuộc bài môn nọ môn kia, tôi cũng không thể ép con hơn nữa”, chị Hương xót xa.
Mong môn thứ 4 được công bố sớm
Giống như chị Hương, chị Nguyễn Thanh Huệ có con học lớp 9 trường THCS Tây Sơn, Hà Nội cũng thương con quặn lòng khi con tâm sự: Con thèm một ngày được ngủ thoải mái, được dậy thật muộn. Chị Huệ cho biết, con chị cũng học thêm 5 môn và học kín tuần. Ngày cuối tuần lẽ ra được nghỉ ngơi thì con có 3 ca học. Thế nên, giống như những đứa trẻ cuối cấp khác, con chị vô cùng thèm một giấc ngủ no đầy.
Cho con học thêm nhiều môn đồng nghĩa với việc tiền học thêm cho con đóng cũng nhiều lên. “Mỗi tháng, riêng tiền học của con tôi gần 5 triệu đồng. Thực sự, đó là khoản tiền không nhỏ so với thu nhập làm công ăn lương của vợ chồng tôi. Thế nhưng, không cho học thì sợ con không thi được, mà cho học thì con vừa mệt, mẹ vừa tốn quá nhiều tiền”, chị Huệ chia sẻ.
“Tại sao Sở GD-ĐT Hà Nội không công bố môn thi thứ 4 luôn mà phải đợi đến tận tháng 3? Mặc dù đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định thi 4 môn không gây quá tải cho học sinh nhưng thực tế các con lớp 9 đang méo mặt vì học”, chị Huệ bức xúc cho biết.