Tranh về chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em gái” của học sinh Trường THCS Hà Đông (phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), hơn 1.000 học sinh một trường học trên địa bàn Hà Nội đã chung tay vẽ nhiều bức tranh về chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em gái”, “Tầm nhìn tương tai của trẻ em gái”.
Trường THCS Hà Đông (phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được thành lập vào tháng 3/2024. Đến nay, trường có hơn 1.200 học sinh, trong đó có hơn 600 học sinh nữ.
Kể từ đầu năm học mới, nhà trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề với các em học sinh về chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) năm nay, nhà trường đã phát động các em học sinh vẽ tranh về chủ đề “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em gái”, “Tầm nhìn tương tai của trẻ em gái”.
Sau hơn 1 tháng triển khai, có 45 bức tranh được lựa chọn trưng bày. Nội dung các bức tranh phong phú, hình thức trình bày sinh động, làm nổi bật chủ đề.
"Trong rất nhiều hình thức tuyên truyền, chúng tôi quyết định tổ chức cho học sinh vẽ tranh. Vì thông qua những hình ảnh trực quan, sinh động sẽ giúp các em học sinh nhớ lâu hơn. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của các em về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em gái”, thầy Nguyễn Thế Hảo, Hiệu trường THCS Hà Đông chia sẻ.
Ngoài trưng bày tại buổi truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái, nhà trường sau đó sẽ trưng bày tại phòng Nghệ thuật, trong các phòng hoạt động Đoàn, Đội và tại các vị trí hành lang của trường.
Những bức tranh thu hút sự quan tâm đặc biệt của các em học sinh. Qua những bức tranh, các em không chỉ được nâng cao nhận thức về “phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, mà còn giúp các em nâng cao nhận thức về “phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội”.
Học sinh Lê Thảo Linh lớp 7A2, Trường THCS Hà Đông, bên cạnh bức tranh mà em thích nhất. "Em mong muốn rằng các trẻ em gái sẽ ngày càng được quan tâm và bảo vệ hơn, không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, và tư duy đổ lỗi cho nạn nhân nữa", Linh chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thế Hảo chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nhà trường chủ yếu vào công tác giảng dạy và học tập. “Chúng tôi mong muốn được các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội LHPN các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện, kết nối để ngày càng có nhiều hơn nữa các chương trình truyền thông về trẻ em hơn nữa, đặc biệt với trẻ em gái”, thầy Hảo bày tỏ.