Bộ GD&ĐT cần làm rõ các bài thi tổng hợp sẽ theo hướng nào, bởi hiện tại học sinh vẫn phải học độc lập các môn học khác nhau - Ảnh: Dương Hà. |
Áp lực vì thi cử thay đổi
Một trong những điểm khác biệt được Bộ GD&ĐT dự định cải tiến so với năm 2016 là thay đổi số lượng môn thi. Ngoài các môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, thí sinh sẽ thi thi thêm 2 bài thi tổng hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Bộ đang cân nhắc 2 phương án, hoặc thí sinh thi đủ 5 bài thi này, hoặc chỉ chọn thêm 1 trong 2 bài thi tổng hợp ngoài 3 môn bắt buộc. Sự cân nhắc này gây ra tâm lý lo âu của nhiều sĩ tử vào mùa thi sau. Trần Mạnh Hưng (THPT Newton, Hà Nội) chia sẻ: “Năm sau thi rồi nhưng đến giờ em vẫn chưa biết sẽ thi theo kiểu nào nên rất lo lắng. Nếu bắt chúng em thi đủ 5 môn để lấy điều kiện tốt nghiệp THPT thì hơi nặng vì không phải ai cũng học đều các môn. Bản thân em chỉ sở trường các môn tự nhiên nên nếu để phương án chọn 1 trong 2 bài thi thì hợp lý hơn”.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn vì sự thiếu ổn định của cách thức thi. Chị Trần Phương Anh (TP Vinh, Nghệ An) có con trai vừa tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm nay thẳng thắn: “Có cho con trải nghiệm kỳ thi mới biết, con đã áp lực về việc học nhưng áp lực lớn hơn của con là sự thay đổi chóng mặt về thi, xét tuyển”. Theo chị Phương Anh, Bộ GD&ĐT cần làm rõ các bài thi tổng hợp sẽ theo hướng nào, bởi hiện tại học sinh vẫn phải học độc lập các môn học khác nhau.
GS Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) cho biết: “Rõ ràng từ các môn độc lập chuyển sang thi bài thi tổng hợp chắc chắn gây lo ngại cho học sinh, phụ huynh. Ở đây phải làm rõ vấn đề: Bài thi tổng hợp chẳng qua là cách thi gộp 3 môn, còn lại câu hỏi vẫn hoàn toàn độc lập”. Theo ông, đây là sự thay đổi tích cực bởi thay vì mất 3 buổi để thi 3 môn, thí sinh chỉ cần một buổi để thi, vừa đỡ mệt, lại giảm tốn kém cho xã hội.
Nên giãn thời gian áp dụng
GS Lâm Quang Thiệp cũng cho rằng, nên chuyển càng nhiều bài thi từ tự luận sang trắc nghiệm càng tốt. Ngay cả ngữ văn, phần văn học và tiếng việt hoàn toàn có thể thi trắc nghiệm và chỉ cần một câu tự luận (khoảng 30 phút làm bài). “Thi trắc nghiệm thì kết quả thi dựa vào chất lượng đề thi, ngược lại thi tự luận phụ thuộc phần lớn vào năng lực người chấm. Nửa tháng chấm thi cả triệu bài thi tự luận, khó có thể đạt được chất lượng như ý. Trong khi đó, đề thi trắc nghiệm có thể chủ động ra trước, tập hợp thành ngân hàng đề thi và khi thi chỉ cần lấy đề từ ngân hàng” - GS Thiệp phân tích.
Theo GS Thiệp, Bộ GD&ĐT cần làm thật tốt kỳ thi THPT Quốc gia 2017, nâng cao chất lượng kỳ thi thì các trường ĐH sẽ tin tưởng sử dụng kết quả để xét tuyển. Trường ĐH tốp trên muốn yên tâm hơn nữa thì ngoài việc sử dụng kết quả thi, có thể tổ chức thi thêm các vòng thi riêng, hoặc sơ tuyển. Vẫn nên để Bộ GD&ĐT chủ trì, vì mỗi trường một kiểu thi thì chắc chắn các trường không thể đủ khả năng và tiền bạc để làm.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sự lo lắng của học sinh, phụ huynh là dễ hiểu bởi vẫn học các môn độc lập, nay thi bài thi tổng hợp là sự thay đổi không nhỏ. Cần giãn thời gian áp dụng, thay vì áp dụng luôn vào năm sau, tránh tâm lý căng thẳng không đáng có.
* Những thay đổi theo dự kiến của kỳ thi THPT Quốc gia 2017: - Thi sớm hơn, trong hai ngày tháng 6/2017 (năm 2016 thi vào đầu tháng 7). - Thi 5 bài thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ (bắt buộc), khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Hai phương án: Hoặc thi cả 5 bài thi hoặc thi 3 môn bắt buộc và 1 trong 2 bài thi tổng hợp. - Nội dung đề thi: Trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. - Hình thức thi: Bài thi ngữ văn thi tự luận với thời gian thi 120 phút. Các bài thi còn lại trắc nghiệm. - Tổ chức thi: Mỗi tỉnh, thành phố có một cụm thi chung do Sở GD&ĐT chủ trì. Các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ giám sát kỳ thi. |