Học sinh lớp 12 căng thẳng khi mở rộng kiến thức ôn tập

29/09/2017 - 15:05
Theo phương án mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nội dung bài thi sẽ thêm cả chương trình học lớp 11 thay vì chỉ mỗi chương trình lớp 12 như những năm trước. Học sinh có nhiều lý do để lo lắng với thay đổi này.

Tăng áp lực

Với tâm lý sẽ dồn sức cho việc học lớp 12 năm nay để dự thi THPT Quốc gia 2018, song khi nghe thông tin sẽ thi cả chương trình lớp 11, nhiều học sinh (HS) Thủ đô tỏ vẻ hoang mang.

Tuệ Khanh - HS lớp 12 THPT Việt Đức (Hà Nội) - cho biết, em thi khối C nên thực ra việc mở rộng kiến thức của lớp 11 không khiến em quá lo đến mức phải quay cuồng học. “Các môn như Lịch sử thì lớp 12 là kiến thức nền tảng để mở rộng thêm vào lớp 12 nên vẫn có sự xâu chuỗi, chỉ thêm nội dung về chiến tranh thế giới nên không quá khó “nhằn”. Môn Văn thì đề thi theo hướng mở nên cũng không quá nặng. Các bạn cùng lớp thi khối tự nhiên thì lo hơn vì sẽ phải học nhiều hơn”, Khanh chia sẻ.

Học sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2017. Ảnh minh họa


Điều nữ sinh này lo lắng hơn chính là việc thông tin đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ bao gồm cả chương trình lớp 11 được công bố khi HS đã lên lớp 12. Có nghĩa là nhiều bạn có học lực trung bình sẽ cảm thấy hoang mang khi lâu nay vốn chỉ có tâm lý học tập trung vào lớp 12 để thi. “Chỉ 1 năm để học thì cập rập quá vì hầu hết ai cũng thấy học mỗi lớp 12 đã không đủ thời gian để ôn rồi, nay còn phải “gánh” thêm kiến thức lớp 11 nữa thì chắc chắn quá trình ôn tập sẽ rất mệt mỏi!”, Tuệ Khanh nói.

Trong khi đó, với Trung Hiếu (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), thí sinh tự do vừa không đủ điểm đỗ vào ĐH năm nay và phải thi lại vào năm tới, việc mở rộng kiến thức là áp lực không nhỏ với em. “Không khác gì việc đối tượng như chúng em sẽ phải học đuổi lại kiến thức lớp 11 vốn dĩ đã qua lâu, điều này khiến em rất lo! Lượng kiến thức rộng, lại thi trắc nghiệm nên kiểu gì cũng phải ôn thêm một lượng lớn đề trắc nghiệm”, Hiếu thở dài.

Đề thi, coi thi cần công bằng

Liên quan đến cách thức thi THPT Quốc gia 2018 với phương án gần như giữ nguyên như năm 2017, nhiều HS lo lắng về độ khó dễ khác nhau giữa các mã đề và ảnh hưởng đến sự công bằng của kỳ thi.

Về điều này, Tuệ Khanh chia sẻ, thi trắc nghiệm là cách thi phù hợp nhưng Bộ GD&ĐT cần tính toán thật kỹ để không xảy ra lo ngại chênh lệch khó dễ giữa các mã đề.

“Đọc thông tin báo chí kỳ thi vừa rồi, chúng em thấy hoang mang khi có nhiều thí sinh phản ánh đề khó dễ khác nhau. Nếu vậy thì thật thiếu công bằng cho những bạn trúng phải đề khó và ngược lại!”, Khanh băn khoăn.

Còn với Thu Trang - HS trường THPT Trần Phú (Hà Nội) - điều mà em mong muốn là việc trông thi cần đảm bảo công bằng ở tất cả mọi nơi. Nữ sinh lo lắng bởi việc trông thi, thậm chí cả chấm thi năm 2017 ở các địa phương khác có vẻ "nới tay" hơn thành phố lớn.

“Riêng ở Hà Nội, lâu nay 2 trường Trần Phú và Việt Đức luôn "nổi tiếng" là trông thi rất chặt, tụi em cảm thấy áp lực vô cùng! Công sức học tập của mình, và cả cơ hội vào đại học, nếu như so với những nơi mà việc trông thi không minh bạch, thì sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều! Đã trông thi thì phải nghiêm ở tất cả mọi nơi, đó là nguyện vọng lớn nhất của chúng em!”, Trang chia sẻ.

Ảo tưởng về chất lượng giáo dục

Nhìn nhận về phương án thi 2018 phần lớn giữ nguyên như năm cũ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng, điều ông lo ngại là việc Bộ có giải quyết được những tranh cãi trong dư luận như: Nhiều điểm 10, điểm ưu tiên, đầu vào ngành sư phạm… ở kỳ thi vừa qua không? Bởi nếu khắc phục được những băn khoăn của dư luận, mới được gọi là một kỳ thi thành công.

“Rõ ràng kỳ thi vừa qua độ phân hóa của đề thi chưa cao nên có tình trạng “mưa điểm 10”. Các trường không chỉ tuyển sinh khó khăn mà xã hội còn dễ cảm thấy ảo tưởng về chất lượng giáo dục. Bộ cần đầu tư kỹ hơn khâu ra đề để tránh lặp lại tình trạng này”, ông Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận.

Liên quan đến việc dư luận lo lắng về tính thiếu nghiêm túc trong công tác chấm thi, coi thi năm vừa rồi, ông Nhĩ cho rằng, khi nào bệnh thành tích còn tồn tại thì chưa chấm dứt được điều này.

“Chúng ta có quyền đặt dấu hỏi về sự minh bạch của kỳ thi khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt đến 99%. Bộ GD&ĐT cần đẩy mạnh tăng cường việc giám sát, đặc biệt là với cách thi trắc nghiệm. Tăng cường số lượng, chất lượng của đội ngũ giám sát để hạn chế tiêu cực, có như vậy mới tránh dư luận ồn ào về tính minh bạch của kỳ thi và tâm lý lo lắng của thí sinh trong kỳ thi tới”, ông Nhĩ khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm