Học thêm nhiều, hiệu quả càng ít

12/07/2016 - 18:18
Tô Mạnh Cường, người từng thi đỗ hai đại học Ngoại thương và Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) ở hai khối A và B chia sẻ: Nhiều học sinh học thêm nhưng kết quả vẫn "dậm chân tại chỗ".
Nhiều học sinh THPT học thêm hết lớp nọ đến lớp kia, không có thời gian nghỉ ngơi. Ảnh minh họa internet.

Tô Mạnh Cường (cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), người từng thi đỗ cả hai trường đại học Ngoại thương, KHTN (ĐHQG Hà Nội) ở hai khối A và B đều được 28 điểm chia sẻ: Mình thấy sợ khi lịch học thêm của đa số học sinh ở Hà Nội kín mít. Liệu việc học 7 ngày/tuần, hết học thêm ở trường, lại học thêm ở trung tâm, rồi thầy này, cô kia có giúp các tiến bộ được không? Theo mình, học sinh nên giảm thời gian học thêm vì nhiều học sinh đi học thêm nhưng kết quả học tập không tiến bộ.

Các bạn có biết, cái đầu cũng giống như một cái máy, nếu làm việc nhiều  thì cũng cần phải tắt đi, dành thời gian nghỉ ngơi, hồi phục  lại. Bạn đừng kêu ca tại sao học liên tục mà không tập trung được, bởi thực sự cái đầu bạn đang rất muốn được nghỉ ngơi, thư thái, vì bị nhồi nhét nhiều nên nó cũng mệt mỏi. Vì vậy, hãy học 25 phút, nghỉ 5 phút, rồi học 25 phút, nghỉ 5 phút, cứ thế đến khi được 2 tiếng thì nghỉ ngơi 15-20 phút (nghe nhạc, chat chit, ăn uống, hay làm bất cứ điều gì bạn thích).

Đi học thêm quá nhiều, đồng nghĩa với việc đầu của bạn không được nghỉ ngơi. Như vậy, làm sao có năng lượng để tiếp thu những kiến thức mới. Chiều học thêm, rồi tối lại học thì khác gì kiến thức vừa học xong chưa kịp ngấm đã bị “nhồi sọ” thêm... Trước đây, mình không đi học thêm ở bất kỳ đâu, mình tự “cày” ở nhà và thi cả 2 khối A, B đều đỗ với kết quả cao. 

Không đi học thêm, chỉ tự học ở nhà nhưng Đinh Hải Vân Yến đã trở thành thủ khoa khối A1, trường ĐH KHTN TPHCM, ngành Công nghệ thông tin năm 2014. Ảnh Cẩm Viên.

Có khá nhiều bạn thi đại học điểm cao mà không đi học thêm nhiều. Chắc hẳn, sẽ có người bảo là họ thông minh, có tư chất nên không cần học thêm. Điều đó không đúng. Trước năm lớp 12, mình bị “mất gốc” môn Hóa và Toán. Thế nhưng, chỉ cần nhờ quyết tâm mãnh liệt cộng với có phương pháp học tập hiệu quả, sáng tạo là sẽ sớm thoát khỏi cảnh “mất gốc”.

Cũng có rất nhiều các bạn thủ khoa, á khoa vì học thêm ít nên có thời gian ôn tập, rèn luyện. Vì học ít mà “chất” còn hơn học nhiều mà “loãng”.  Bí mật của việc học là thêm những gì bạn chưa biết vào những gì bạn đã biết. Học không phải là để ngày càng nhiều thông tin hơn, mà để hướng đến việc ngày càng ít thắc mắc đi.

Khi đã nắm được ý nghĩa của câu nói này, bạn sẽ thấy việc học không còn là cực hình hay tra tấn nữa, mà trở thành hành trình bổ sung, khám phá, mở mang thêm từng chút kiến thức một cách cực kỳ thú vị.

Hồi lớp 12 mình ôn thi, làm xong phần nào, bài nào, đề nào là mình cất cẩn thận. Đến lúc thi chỉ cần xem một lượt là đã nhớ lại hết. Không cần học nhiều, chỉ học thêm những kiến thức mới lạ và hay ho thôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm