Học thua cuộc trước con mình

Nhà văn Hoàng Anh Tú
05/01/2024 - 19:56
 Học thua cuộc trước con mình

Ảnh minh họa

Mùi vị của thua cuộc không dễ nuốt. Đó là nguồn cơn khiến mạng xã hội tranh cãi nhau hàng ngày.

Ai cũng có lòng tin vào thứ mình nghĩ bởi ai cũng có quan điểm, góc nhìn độc lập dựa trên trải nghiệm cá nhân mà chúng ta có. Chưa kể những định kiến hình thành từ cuộc sống riêng của mỗi người. 

Như ghét Sơn Tùng MTP thì mọi thứ cậu ta làm đều trở nên đáng ghét. Ai bênh Sơn Tùng thì kẻ đó thật nực cười, đáng ghét, đáng thất vọng. Và tranh cãi. Kết cục cuối cùng: "Block" nhau luôn để đỡ ngứa mắt.

Tốt thôi! Nhưng câu chuyện này không phải là về Sơn Tùng, không phải về những cuộc tranh cãi trên mạng. Mà là trước con mình. Bạn có dũng cảm chịu thua con? Khi mà chúng ta, người lớn, có số năm sống trên đời lâu hơn bọn nhỏ, hiểu biết hơn đứt bọn nhỏ. 

Chúng ta là bố mẹ đẻ ra chúng. Áo mặc sao qua khỏi đầu kia chứ? Chúng ta luôn muốn con cái phải tuân phục chúng ta vì uy tín của chúng ta nữa. Cha mẹ mà chịu thua con trẻ thì còn đâu uy tín lẫn quyền lực gì với con trẻ nữa, phỏng ạ? Mà rõ ràng nhé, con cái mình non nớt, khờ dại, ngốc xít vô cùng. 

Thì đấy, nó nói là "Đua xe chỉ có 2 kết quả: Hương vị của những tung hô bạn bè, hoặc là c.h.ế.t. Mà c.h.ế.t là hết". Con nói thế mà nghe được à? Là bởi trong đầu chúng quả thực chỉ có 2 kết quả đó. Chúng không biết còn kết quả thứ 3, thứ 4, thứ 5. Như tàn tật vĩnh viễn làm bố mẹ phải nuôi suốt đời. 

Như ngớ ngẩn, ngu ngơ khi ngã đập đầu. Như bị công an bắt, thậm chí thành tiền án, tiền sự, khổ cả đời, sau này đi xin việc sẽ khó khăn. Như bị thiên hạ lôi bố mẹ ra chửi vì không biết dạy con. Và chúng ta đưa ra những điều đó để bắt con phải hiểu. 

Đáng tiếc, chúng nó không quan tâm. Với con trẻ, đó là cái lý của bố mẹ. Bởi chúng chưa có nhiều trải nghiệm, vậy thôi. Mọi thứ chúng làm chỉ là bản năng. Mà bản năng là thứ hành động sơ khai và nhiều hệ lụy.

Bạn có dám nhận thua ngay cả khi bạn thừa lý lẽ để thắng? Hay bạn vẫn kiên quyết muốn thắng và phải nói cho con mình vỡ ra, nói cho con mình phải hiểu, nói cho con mình phải nghe, phải thay đổi? Quyền lực của cha mẹ phải được bảo toàn? Con thiếu hiểu biết, cha mẹ phải chịu trách nhiệm? Và kết quả là mọi cuộc tranh luận sẽ đi vào ngõ cụt. 

Hoặc lũ trẻ vâng dạ cho xong, đóng tiếp vai con ngoan trò giỏi của cha mẹ để yên thân. Hoặc lũ trẻ sẽ hiểu lòng cha mẹ khi chúng có con cái (lâu đấy và trong suốt quá trình đến lúc đó, bao nhiêu thứ khác sẽ xảy ra và chắc chắn lũ trẻ hôm nay sẽ không còn muốn tranh luận với cha mẹ nữa, vì cha mẹ có hiểu con đâu mà nói làm gì cho lại bị mắng).

Tôi vẫn luôn nhận là người thua cuộc nếu như tôi nhận ra những lý lẽ tôi đưa ra chưa thuyết phục được con mình. Không phải là "Bố chỉ muốn tốt cho con" mà là "Chúng ta làm sao để tốt nhất". Không phải là "trẻ con thì biết cái gì" mà là "Ý kiến của con rất đáng để bố suy nghĩ".

 Không phải là "ý các khanh thế nào, ý trẫm thì đã quyết như thế" mà là "chúng ta sẽ cùng bàn luận thêm về vấn đề này sau khi cả 2 cùng đọc thêm, nghiên cứu thêm được không?"

Chịu thua con có đáng xấu hổ không? Tôi không hề thấy xấu hổ trước con mình bởi tôi luôn mong con học cách trưởng thành, học cách trở thành một người lớn có trách nhiệm, có góc nhìn, quan điểm độc lập. 

Vậy thì bản thân tôi cũng phải học cách làm cha mẹ, học cách tôn trọng khác biệt, học thêm từ chính con mình, mỗi ngày. Vì trong mắt tôi, các con của tôi cũng là những người sắp lớn. Càng biết cách thua hôm nay chính là học cách cùng thắng trong tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm